MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi gặp gỡ. Ảnh: Minh Quân

Doanh nghiệp TPHCM đuối sức, nguy cơ bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm

MINH QUÂN LDO | 17/02/2023 14:21

TPHCM – Hiện có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu ở TPHCM nhưng đang quá khó khăn về tài chính, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Thực trạng trên được nêu ra tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM do UBND TPHCM tổ chức ngày 17.2.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, từ quý 4.2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỉ lệ 26% của quý trước đó.

Theo ông Hòa, hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Trong khi đó, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết lãi suất cho vay của ngân hàng trên 10% khiến cho lợi nhuận của các công ty bị hạ xuống đến 50 - 70% so với trước.

“Nếu tính chung lãi suất vay trên 10%, cộng với giá điện nước, nguyên liệu đang tăng khiến tỉ suất lợi nhuận doanh nghiệp cực thấp, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng đuối sức” – bà Chi nói.

Chưa dừng lại đó, bà Lý Kim Chi cho biết hiện đang có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu nhưng đang quá khó khăn về tài chính, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, cần chính sách hỗ trợ toàn diện về lãi suất, chính sách vốn, đầu tư, vùng nguyên vật liệu... để doanh nghiệp gia tăng nội lực sản xuất.

Còn ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho hay đầu năm nay, các doanh nghiệp rất cần vay vốn để hoạt động nhưng không dễ. Theo ông Việt, nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây khiến hạn mức cho vay giảm mạnh.

Ngoài ra, nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên quá cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc. Từ đó, ông Việt kiến nghị các ngân hàng cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM Đỗ Phước Tuấn cho biết, mặc dù TPHCM đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho ngành nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp còn rất hạn chế. Có nhiều doanh nghiệp dù đã được thành phố duyệt cho vay vốn kích cầu nhưng thời gian giải ngân chậm nên cũng gặp khó.

Phản hồi doanh nghiệp, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết đơn vị sẽ tiếp thu và phản ánh kiến nghị đến Ngân hàng nước Việt Nam xử lý theo thẩm quyền. Đối với các khó khăn vướng mắc liên quan con người, do cán bộ tín dụng gây khó cho doanh nghiệp sẽ kiên quyết xử lý, giải quyết cho doanh nghiệp.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định những vấn đề khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Trung ương sẽ tiếp tục kiến nghị. Còn những tồn tại của thành phố cần tiếp tục tháo gỡ với quan điểm đẩy nhanh tốc độ hơn nữa, những chính sách hỗ trợ trong thẩm quyền của thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu.

"Cần soi từng đầu việc để tìm giải pháp, từng đề xuất của doanh nghiệp ở từng ngành cụ thể cũng được chỉ đạo để tháo gỡ trong thời gian tới” – ông Nguyễn Văn Nên nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan giao cho từng sở, ngành giải quyết những vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp. Trong đó, các sở, ngành cần chủ động mời từng nhóm hoặc từng doanh nghiệp cụ thể để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Hoan, khó khăn của doanh nghiệp nhiều nhưng liên quan chính đến pháp lý và trách nhiệm công cụ. Về pháp lý TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương nếu vượt thẩm quyền. Riêng về trách nhiệm công vụ thành phố sẽ nâng cao, cải thiện chất lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn