MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: PV

Doanh nghiệp tư nhân vẫn... tiếp tục “bơi”!

Huy Thắng LDO | 12/07/2017 15:00
Nghị quyết Hội nghị lần thứ V, BCH Trung ương Đảng khóa XII xác định: “Phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) và cứ sau 5 năm tăng thêm nửa triệu DN. Đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN, phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2020 đạt 50%...

Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2017, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trên cả nước là 76.655 DN. Bên cạnh số liệu thống kê về sự tăng trưởng nêu trên, vẫn có những con số làm cho giới doanh nhân không khỏi băn khoăn. Đó là trong 6 tháng đầu năm cũng có hơn 67.000 DN ngừng hoạt động và phá sản, chủ yếu là các DN có vốn dưới 10 tỉ đồng. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh… của DN không hề suôn sẻ như kỳ vọng. Không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân các DN “chết yểu” là do không đủ sức chống chọi với sự khắc nghiệt trong bối cảnh hiện nay, hàng hóa thì dư thừa trong khi sức tiêu thụ thì lại có hạn…

Theo Ban Pháp chế - VCCI, qua rà soát 14 ngành nghề trong các lĩnh vực: Công Thương, GTVT và Khoa học công nghệ với 402 điều kiện kinh doanh đã nổi lên hàng loạt vấn đề bất cập. Cụ thể, nhiều điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô DN. Ví dụ là đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương; thương nhân XNK khí hóa lỏng phải có tổng dung tích bồn chứa tối thiểu 3.000m3; thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu đồng…

Thứ hai là ĐKKD có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của DN. Điển hình là quy định phương án kinh doanh của các DN vận tải bằng ôtô phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thứ ba là điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính. Ví dụ như yêu cầu về chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải hành khách bằng ôtô. Yêu cầu này không cần thiết bởi thị trường có rất nhiều phân khúc và khách hàng sẽ lựa chọn chất lượng phù hợp.

Thực tế đã chứng minh những điều kiện kinh doanh đã gây khó khăn cho DN nhỏ và vừa, biến thị trường thành “sân chơi” riêng của một số DN có tiềm lực. Nhiều ngành, nghề kinh doanh không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh hoặc nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp. Một khi điều kiện kinh doanh còn là “lực cản” thì khó đòi hỏi số lượng DN phát triển như mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn