MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Quảng Nam khiến 13 người thiệt mạng. Ảnh: TL

Doanh nghiệp và lái xe phớt lờ quy định của pháp luật

CAO NGUYÊN - KHÁNH HÒA LDO | 01/08/2018 07:00
Theo Luật Đường bộ, thời gian làm việc của người lái xe ôtô không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Thế nhưng vì lợi nhuận, rất nhiều doanh nghiệp và lái xe đã phớt lờ quy định này để rồi hậu quả xảy ra rất thảm khốc.

Và vụ tai nạn khiến 13 người chết vừa qua tại Quảng Nam là một ví dụ điển hình.

Chạy cố và lạm dụng cafein, ma túy

Theo thông tin từ người thân lái xe vụ tại nạn trên thì trước khi xuất phát lúc 23 giờ chở đoàn rước dâu từ Quảng Trị đi Bình Định, tài xế đã chạy một chuyến từ Huế vào Đà Nẵng ăn đám cưới vào buổi trưa rồi quay về Huế, chưa kịp chợp mắt thì đã phải chạy xe ra Quảng Trị và quay xe chở đoàn đón dâu.

Nghĩa là tài xế này đã chạy xe gần 20 tiếng mỗi ngày, hậu quả là buồn ngủ và gây tại nạn.

Việc lái xe chạy bất chấp và chạy quá giờ là vi phạm pháp luật nhưng lại phổ biến và hầu như không bị chế tài.

Trao đổi với Lao Động, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia - nói: “Vụ việc vừa rồi là minh chứng điển hình của việc DN vận tải ở quy mô nhỏ, quy mô gia đình không có bộ phận quản lý an toàn giao thông, không có phương án kinh doanh nên mới vừa chạy xong 1 chuyến chạy tiếp chuyến này dẫn tới tai nạn giao thông, do đó theo tôi không nên bỏ các điều kiện ràng buộc về an toàn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải mà phải siết chặt hơn”.

Ngoài ra, còn một thực tế là để gia tăng giờ lái, không ít lái xe chạy đường dài đã lạm dụng những chất kích thích chức cafein, thậm chí là ma túy. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm tra xử lý của CSGT được xem là khá khó khăn. Nguyên nhân là bởi thiếu thốn về trang thiết bị cũng như sự phối hợp lỏng lẻo, chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng có liên quan với lực lượng CSGT hay thậm chí là thái độ chống đối của doanh nghiệp, các lái xe. Đa số những vụ việc phát hiện lái xe nghiện ma túy là khi sự việc đã xảy ra rồi.

Trao đổi với Lao Động, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về ATGT, Cục CSGT (Bộ CA) nhìn nhận: Ngoài việc kiểm tra phương tiện vi phạm giao thông thì phía CSGT còn có các chuyên đề để xử lý lái xe vi phạm về ma túy. Song, việc kiểm tra lỗi vi phạm này của CSGT là khá hạn chế và không thể hết.

Còn nhiều lái xe phớt lờ quy định về thời gian lái xe. (Ảnh minh hoạ). Ảnh KH

Cần phải siết quy định camera hành trình

Buông lỏng vấn đề này, có sự tiếp tay của các doanh nghiệp. Ngày 31.7, trao đổi với Báo Lao Động, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Bùi Danh Liên cho rằng Bộ GTVT và các sở, ban, ngành thời gian qua đã quyết tâm áp dụng thiết bị giám sát hành trình trên các xe kinh doanh vận tải để góp phần giảm thiểu tai nạn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hai chủ thể cần giám sát lái xe là chủ DN và cơ quan chức năng đều chỉ làm hời hợt, mang tính hình thức. Theo ông Liên, phía DN vận tải, lẽ ra phải giám sát lái xe, phương tiện thì lại trang bị thiết bị giám sát hành trình theo kiểu đối phó thậm chí ngay cả khi bị tước phù hiệu vẫn tìm cách chạy chui.

Cùng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, cho rằng việc kiểm tra, xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình tại các địa phương còn chưa thật tốt bởi một mặt hệ thống phần mềm giám sát chưa hoàn chỉnh, dữ liệu cung cấp với tính chất online của các địa phương chưa đầy đủ.

Mặt khác, đa số các địa phương chỉ chờ báo cáo giám sát thiết bị từ Tổng cục Đường bộ về để xử lý vi phạm và khi Tổng cục gửi về họ có xử lý hay không lại tuỳ thuộc vào địa phương và hiện còn có nơi không quan tâm.

Tại nhiều quốc gia, việc giám sát số giờ lái xe rất chặt chẽ. Nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Ở Việt Nam một số hãng taxi cũng đã gắn phần mềm thông báo lái xe đã chạy liên tục quá 4 giờ và thông tin này truyền về trung tâm. Lái xe ngay sau đó không được đón khách và phải nghỉ ngơi.

Đối với những lái xe đối phó, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về ATGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng: Cùng với sự đầu tư, tăng cường kiểm soát của CSGT, các doanh nghiệp vận tải phải “sàng lọc” đội ngũ lái xe ngay từ đầu vào.

Bên cạnh đó, thông qua những đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ, đột xuất, kịp thời phát hiện, sa thải, xử lý những lái xe nghiện ma túy, chất kích thích gây nguy hiểm tiềm ẩn xảy ra TNGT.

“Nhiều lái xe hiện nay còn lái bằng chân, đi ngược chiều, lái xe sử dụng điện thoại để xem video. Họ còn coi thường hành khách, bản thân như vậy, nêu không kiểm soát chặt thì còn nhiều vụ tai nạn xảy ra nữa. Vấn đề này cần phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý vận tải, quản lý doanh nghiệp. Lúc cấp bằng lái xe, tuyển lái xe mà không cân nhắc, chọn lọc kỹ thì còn nhiều hệ lụy về sau” - thượng tá Nhật nói. CAO NGUYÊN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn