MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đánh giá DDCI có các chỉ số khá trùng khớp với điểm số PCI, cho thấy những điểm chưa được của chính quyền Đà Nẵng trong cách làm việc với doanh nghiệp. Ảnh: TT

Doanh nghiệp vẫn nói thiếu minh bạch, bất bình đẳng

THUỲ TRANG LDO | 15/10/2019 10:07
Đầu tháng 10 vừa qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội (KTXH) Đà Nẵng lần đầu tiên công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và quận/huyện trên địa bàn thành phố (DDCI) năm 2018. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đánh giá, tính minh bạch thông tin chưa được đảm bảo khi việc tiếp cận hồ sơ một số dự án khá khó khăn, thậm chí việc ưu ái cho doanh nghiệp lớn vẫn tồn tại gây cạnh tranh bất bình đẳng.

Khó tiếp cận thông tin dự án, chính sách

DDCI 2018 là bộ đánh giá được Đà Nẵng thực hiện khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp dựa trên 9 tiêu chí được xây dựng từ các tiêu chí của PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - nhằm đánh giá năng lực của chính quyền các quận/huyện và các sở, ban, ngành trên khía cạnh điều hành kinh tế. Trong đó, “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” là một trong những chỉ số quan trọng nhất, được chứng minh mối quan hệ cùng chiều với thu hút đầu tư.

Thế nhưng, theo đánh giá này, “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” của khối sở, ban xếp thứ 6/9 chỉ số thành phần. 49,7% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, cần có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận các thông tin, tài liệu. “Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn tiếp cận thông tin về dữ liệu các dự án đấu thầu công của thành phố, dù đã có công ty có công văn yêu cầu các cơ quan thẩm quyền cung cấp” - một doanh nghiệp khảo sát cho biết.

Bên cạnh đó, chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” cũng bị doanh nghiệp đánh giá thấp nhất trong số 9 chỉ số thành phần bởi có trên 40% doanh nghiệp cho rằng tổng công ty, tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên địa bàn thành phố nhận được các chính sách ưu đãi hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn vay, mặt bằng kinh doanh…) cũng như được ưu tiên trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước (đấu thầu, khoáng sản...). Một điểm đáng lưu ý nữa, đó là 7,4% ý kiến cho rằng có doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thân hữu được ưu ái là của cán bộ, công chức thuộc các sở, ban, ngành.

Ngoài ra, 41,4% doanh nghiệp được khảo sát cho hay cần có chi phí không chính thức để công việc được giải quyết như mong muốn. Và chỉ 46% doanh nghiệp nói rằng chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được.

“Mặc dù doanh nghiệp đánh giá tích cực các khía cạnh cung cấp, công khai phí, lệ phí, biểu mẫu thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước nhưng cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp cận những thông tin thực chất và chất lượng hơn như kế hoạch sử dụng đất, chính sách ưu đãi mới, đấu thầu công… Bên cạnh đó, việc thông tin thiếu minh bạch cũng dẫn đến việc doanh nghiệp sẽ cảm nhận không tốt về “cạnh tranh bình đẳng” cũng như phát sinh những “chi phí không chính thức” - Viện Nghiên cứu KTXH Đà Nẵng đánh giá.

Sở ngành cần tiếp thu

Sau khi báo cáo này được công bố, một số đơn vị đã có ý iến không đồng tình vì cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá chưa thỏa đáng, chưa phản ánh đầy đủ, chính xác bản chất hoạt động của các đơn vị.

Chia sẻ về điều này, ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - nói rằng: “Quan điểm của các sở ngành là đánh giá năng lực cạnh tranh có nhiều vấn đề nên việc chỉ lấy ý kiến doanh nghiệp là chưa đủ. Đó còn là mối quan hệ giữa người dân, các cơ quan tiếp xúc với nhau trong quá trình xử lý công việc. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên chỉ số này được công bố, việc một số đơn vị không đồng tình cũng là dễ hiểu, nhưng nếu không làm thì sẽ không bao giờ biết được mình thiếu sót ở đây. Các cơ quan đơn vị cần tiếp nhận kết quả này với tinh thần tiếp thu, cầu thị, điều chỉnh bộ chỉ tiêu đánh giá để kết quả được khách quan, sát thực tế để khi công bố, các đơn vị sẽ thấy được những điều mình được và chưa được để hoàn thiện mình”.

Được biết, cuối tháng 9 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã lần đầu tiên công khai hơn 23.000 lô đất tái định cư với thực trạng đã có mặt bằng 15.607 lô, 247 khu đất lớn đã có mặt bằng, với diện tích 1.311.851m2. Việc công khai minh bạch quỹ đất được cả doanh nghiệp và người dân hoan nghênh bởi tiếp cận được thông tin này có thể giúp họ chủ động trong việc phát triển kinh doanh, ổn định cuộc sống. Đó chính là những điều mà doanh nghiệp và cả người dân mong mỏi.

“DDCI Đà Nẵng cho thấy, không có một đơn vị hoàn hảo và mỗi đơn vị cần nghiêm túc học hỏi cơ quan đứng đầu trong mỗi chỉ số thành phần. Đây là cách thức hiệu quả để cải thiện vị trí DDCI trong năm 2019 nói riêng và duy trì, cải thiện thứ hạng PCI cũng như năng lực điều hành kinh tế của thành phố Đà Nẵng về trung và dài hạn” - Viện Nghiên cứu KTXH Đà Nẵng kỳ vọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn