MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp vận tải than "quá sức chịu đựng" khi giá xăng tăng cao kỷ lục

Cường Ngô LDO | 15/05/2022 14:49

Giá xăng lên mức xấp xỉ 30.000 đồng/lít, cao nhất kể từ tháng 7.2014, khiến người tiêu dùng, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, khai thác dịch vụ cảng biển... lao đao do chi phí bị đội lên hàng tỉ đồng/tháng. "Quá sức chịu đựng" là cảm thán của nhiều người trong bối cảnh bão giá, mỗi thứ tăng một chút.

Giá cả thiết lập mặt bằng mới

Ai cầm tiền đi chợ thời gian này sẽ thấy, giá cả nhiều mặt hàng liên tiếp thiết lập mặt bằng mới trong một thời gian rất nhanh. Giá cả tăng nhanh theo đà tăng của giá xăng dầu. Hiện giá xăng RON 95 đã lập mức kỷ lục mới, chạm ngưỡng gần 30.000 đồng mỗi lít.

Giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử đã tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.

Giá cả hàng hoá thiết lập mặt bằng mới. Ảnh: C.N 

Anh T.V.T - chủ quán bún ngan trên phố Đồng Bông (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, hiện giờ giá các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của anh.

Giá cả nhiều mặt hàng từ cọng hành, cân thịt tăng mạnh sau mỗi lần giá xăng trong nước tăng, lần gần nhất lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Giá các loại rau củ trong khoảng 1 tháng trở lại đây đều tiếp tục tăng mạnh. Như 1 kg cải thảo tăng từ 4.000 đồng lên 8.000 đồng chỉ trong 1 tuần, cà rốt tăng từ 15.000 lên 20.000 đồng/kg; mỳ tôm, dầu ăn cũng hưởng ứng đà tăng, trước đây, giá dầu ăn chỉ tầm 20.000 - 30.000 đồng/lít nay đã lên 40.000 - 45.000 đồng/lít; đường cát trắng, đồ gia vị cũng tăng giá và giá gas đã tăng gấp đôi, hiện gần 500.000 đồng/bình 12kg.

"Quán bún chả của chúng tôi chủ yếu phục vụ sinh viên, nên cố gắng giữ giá trong thời gian dài, nhưng nay không thể giữ được nữa rồi, các đầu mối cung cấp hàng cứ đổ lỗi cho giá xăng mà tăng giá bán, buộc chúng tôi phải tăng thêm 5.000-10.000 đồng cho mỗi bán bún bán ra", anh T nói.

Quán bún của anh T buộc phải tăng giá vì giá xăng tăng cao, kéo theo giá nguyên vật liệu cũng tăng theo. Ảnh: C.N

Doanh nghiệp vận tải quá sức chịu đựng

Ông Đỗ Văn Bằng - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp vận tải.

"Giá xăng dự báo có thể tăng lên đến 35.000 – 40.000 đồng/lít. Nếu vậy thì doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách khó lòng sống nổi.

Chúng tôi cũng biết xăng dầu tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng, nhưng trong hoàn cảnh này, chỉ có đóng cửa nhà xe mới mong thoát lỗ, quá sức chịu đựng rồi", ông Bằng nói.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do chi phí vận tải tăng cao, nên tất cả chi phí đầu vào như bao bì, nhân công… đều tăng từ 20 - 30%, trong khi doanh nghiệp mới trở lại sản xuất, mọi thứ còn rất khó khăn.

"Thời điểm hiện tại, chi phí vận chuyển từ cảng đến nơi nhập khẩu đã bằng hoặc cao hơn so với giá trị đơn hàng; doanh nghiệp sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất", ông Lĩnh nói và dẫn chứng, trước đây, công ty của ông xuất khẩu một container giá trị hàng hóa khoảng 100.000 USD chỉ mất từ 1.500 – 2.500 USD chi phí vận tải, còn bây giờ, chi phí vận tải lên hơn 8.000 USD, tăng gấp hơn 4 lần.

Doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: V.D 

"Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn giữ giá bán như cũ để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu đến từ những quốc gia khác trong khu vực thì phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ép giảm giá mua nguyên liệu.

Nếu nhà chức trách không can thiệp nhanh thì dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận chuyển mà tất cả lĩnh vực bởi xăng dầu tăng giá thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo", ông Lĩnh khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc hãng taxi Mai Linh miền Bắc, cho biết, doanh nghiệp đang phải gồng mình khi gánh chịu các loại chi phí. Một lượng lớn tài xế nghỉ việc cộng hưởng với những chi phí khác trong mùa dịch đã thực sự khiến doanh nghiệp điêu đứng. Trong tình cảnh đó, doanh nghiệp bắt buộc phải bán xe để "cắt lỗ".

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam đề nghị, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho doanh nghiệp vận tải.

Liên bộ Công Thương - Tài chính cần phải vào cuộc tích cực mới mong phục hồi được sản xuất. Các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh vận tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn