MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một sản phẩm đặc trung của Đà Nẵng đã xuất đi Trung Quốc thành công. Ảnh: Mỹ Phương

Doanh nghiệp vào thị trường Trung Quốc cần nắm thông tin, chuẩn hóa hợp tác

THÙY TRANG LDO | 05/08/2023 10:44

Trung Quốc là thị trường có quy mô lớn nhưng không chỉ riêng Việt Nam mà bất kì quốc gia nào cũng muốn xuất khẩu các mặt hàng vào thị trường này. Vì vậy, doanh nghiệp muốn đưa được sản phẩm vào đây phải cạnh tranh rất lớn, chưa kể việc cạnh tranh với chính hàng nội địa Trung Quốc.

Cơ hội lẫn thách thức ở thị trường lớn nhất nhì thế giới

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu được Bộ Công Thương tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 3 đến 6.8, các chuyên gia kinh tế đã có những chia sẻ, đánh giá các thị trường nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.

Trong đó, thị trường Trung Quốc được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay, việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch của Trung Quốc từ giữa năm 2022 đã tạo thuận lợi cho việc giao thương của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng Việt Nam. Với vị trí địa lý giao lưu thương mại ở cả đường biển, đường sắt, đường bộ, doanh nghiệp có thuận lợi để khai thác tiềm năng hợp tác.

Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường hàng hóa lớn, tốc độ tăng trưởng cao, nhập siêu về nông sản. Trung Quốc còn có nhiều địa phương có dân số lớn lên đến hàng trăm triệu dân như tỉnh Quảng Đông, tỉnh Sơn Đông… đây cũng là tiềm năng mà các doanh nghiệp có thể khai thác của thị trường.

Doanh nghiệp cần tận dụng các triển lãm, hợp tác để kết nối với thị trường muốn xuất khẩu. Ảnh: Thùy Trang

Tuy nhiên, cũng chính vì là thị trường tiềm năng nên Trung Quốc thu hút tất cả các nước muốn xuất khẩu hàng hóa chứ không riêng gì Việt Nam. Bên cạnh đó, sau dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc đang có chính sách ưu tiên cho hàng hóa nội địa nên sản phẩm Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh rất lớn.

Bằng chứng số lượng xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc hiện nay so với Thái Lan về trái cây thì chỉ bằng một nửa, về thủy sản thì chúng ta ít hơn Indonesia, Ấn Độ. Doanh nghiệp Việt Nam lại khó tiếp cận vào các kênh bán lẻ của thị trường này do yêu cầu, đòi hỏi cao của thị trường.

Doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin đối tác, chuẩn hóa hợp đồng

Trước thực tế đó, để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, ông Lai góp ý, khi tham gia xuất khẩu, doanh nghiệp phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, các quy định theo yêu cầu của thị trường. Doanh nghiệp cần cập nhập những xu thế, yêu cầu của thị trường qua các kênh khác nhau như từ đối tác, khách hàng, truyền thông.

Doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin đối tác thông qua những sự kiện hỗ trợ triển lãm ở cả 2 nước, tránh việc tìm kiếm thông tin qua internet có độ chính xác không cao.

“Cơ quan đại diện thương mại tại Trung Quốc sẽ hỗ trợ vấn đề này để giúp doanh nghiệp hiểu rõ năng lực, tài chính của đối tác, tránh được thông tin ảo, rủi ro khi hợp tác.

Bên cạnh đó, các giao dịch cũng cần chuẩn quốc tế. Bởi có những hợp đồng sau khi có vấn đề phát sinh mới nhờ cơ quan đại diện thương mại tại Trung Quốc hỗ trợ thì hồ sơ không có những điều khoản ràng buộc mà thường khi có vấn đề phát sinh thì doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt.

Cơ quan Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cũng đang tích cực có những hoạt động phối hợp với cơ quan trong nước trao đổi với nước bạn nhằm thúc đẩy mở cửa cho nông thủy sản, hoàn thiện hồ sơ cấp mã cho các doanh nghiệp Việt Nam” – ông Lai cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn