MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu cho rằng, để bảo vệ doanh nghiệp Việt, cần áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài. Ảnh: Vũ Long

Doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ, bảo vệ trên không gian mạng

Vũ Long LDO | 28/09/2022 16:18

Doanh nghiệp Việt tham gia vào nền kinh tế số cần công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh và được bảo vệ trên không gian mạng.

Doanh nghiệp Việt Nam bị "chèn ép" ở nước ngoài trong không gian mạng

Hiện, Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp (DN) tham gia vào nền kinh tế số trong đó Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực trẻ sáng tạo, thích nghi công nghệ cao…) tạo ra các giải pháp để các DN phát triển.

Tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức, dù đã có hành lang pháp lý nhưng thực tế trên nền tảng Internet thì rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới do thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

Ngày 28.9.2022, tại tọa đàm: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”, ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO Sconnect - một trong những DN đang là nạn nhân của vấn nạn vi phạm bản quyền, nhấn mạnh: 

Sconnect đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ mạnh của Anh là Entertaiment One (EO) đối với Wolfoo - bộ nhân vật hoạt hình đang chiếm hàng tỉ lượt xem mỗi tháng và hàng triệu người theo dõi.

Ông Hoàng kiến nghị các cơ quan chức năng cần hoàn thiện sớm các quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài. 

Ông Trịnh Quốc Khánh - Giám đốc đào tạo Ant Group cũng cho hay: Có nội dung về âm nhạc, do Ant Group sản xuất, sau đó một đơn vị khác lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát. Ant Group chưa có giấy tờ pháp lý trên nền tảng YouTube nên mất vấn đề bản quyền và không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề.

Hỗ trợ để DN số Việt Nam tự bảo vệ mình

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ với đa dạng nền tảng kinh doanh, hình thức giao dịch. Bên cạnh những lợi ích, mô hình kinh doanh trực tuyến cũng mang đến nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khi mà các hoạt động giao dịch thương mại đã vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.

Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho rằng, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tại doanh nghiệp. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng lại không được doanh nghiệp quan tâm.

Để các doanh nghiệp Việt còn non trẻ khi hội nhập vào nền kinh tế Internet, rất cần có vai trò “bệ đỡ" của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn