MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo chuyên gia của ADB, chuyển dịch năng lượng tức là chuyển sang các năng lượng thay thế như gió, mặt trời. Ảnh: GWEC

Doanh nghiệp Việt không thể chậm chân trong cuộc đua Net Zero

Trà My LDO | 01/07/2023 12:11

Doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… buộc phải chấp nhận luật chơi mới về quy chế carbon xuyên biên giới và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường.

Muốn xuất hàng sang châu Âu, Mỹ, Nhật, phải có chứng chỉ môi trường

“Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và nền kinh tế. Tăng 3 độ C sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới 10% kinh tế toàn cầu”, Giám đốc AFD Việt Nam ông Hervé Conan nhận định.

Như vậy, đây không phải là cuộc chơi của một quốc gia đơn lẻ mà là vấn đề toàn cầu. Net Zero đang trở thành xu hướng, cuộc chơi mới mà Việt Nam không nên chậm chân hơn nữa. Việt Nam là nước xuất khẩu lớn sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật... Các quốc gia này đều đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm phát thải. Theo quy chế carbon xuyên biên giới, tới tháng 10, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu bị đánh thuế carbon.

Ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng: “Nếu không phát triển bền vững thì Việt Nam sẽ chịu những tổn thất rất xấu đến người dân và doanh nghiệp. NetZero là bài toán phức tạp giữa việc nâng cao tốc độ phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt với quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam”.

Sắt thép, ximăng, phân bón, nhôm, điện và hydro là những sản phẩm sẽ phải chịu thuế carbon khi xuất khẩu sang EU. EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Càng chậm chân trong triển khai Net Zero, doanh nghiệp Việt càng mất đi lợi thế trong xuất khẩu.

Theo ông Keiju Mitsuhashi, Chính phủ Việt Nam đang hướng tới năng lượng xanh ở cấp độ cao. “Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26. Việt Nam vừa thông qua Quy hoạch điện 8, điều này mang lại sự tự tin về chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, ngành năng lượng Việt Nam gặp rất nhiều thách thức. Làm sao đảm bảo nguồn cung năng lượng rẻ. Vào năm 2022, cấu trúc năng lượng điện ở Việt Nam còn ít hơn 600 MW. Vào năm 2050, công suất điện kì vọng tăng gấp đôi, giảm phát thải ròng bằng 0. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng”.

Theo chuyên gia của ADB, chuyển dịch năng lượng tức là chuyển sang các năng lượng thay thế như gió, mặt trời. Ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Sôi động thị trường tín chỉ carbon

Hai câu hỏi lớn mà các doanh nghiệp FDI quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam hiện nay là “Chúng tôi lấy năng lượng sạch ở đâu? Chúng tôi có thể trao đổi tín chỉ carbon ở đâu?”.

“Giá trị của thị trường carbon hiện tại lên tới 52 tỉ USD và Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chương trình mua bán tín chỉ carbon”, ông Marc S.Forni - chuyên gia Phụ trách Quản lí Rủi ro Thảm họa, Ngân hàng Thế giới cho biết.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Quốc Trung cho biết: “Cái khó nhất trong phát triển thị trường mua bán carbon hiện nay chính là cơ chế hành lang pháp lí để các tổ chức cùng tham gia vào. Theo đó, để đạt mục tiêu trung hoà carbon và Net Zero, các tổ chức cần một hành lang pháp lí cụ thể. Hiện có mỗi Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thông tư 17 hướng dẫn DN kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực môi trường.

Chúng tôi thấy nhiều tiềm năng, cơ hội trong thị trường tín chỉ carbon. Dung lượng thị trường khá lớn". Bây giờ hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu Net Zero. Điều này thúc đẩy rất lớn cho thị trường carbon.

Thép là hàng hóa có khả năng chịu thuế carbon cao nhất vì ở Việt Nam sử dụng nhiên liệu đầu vào như than để sản xuất thép. Theo ước tính, để sản xuất 10 triệu tấn thép hàng năm sẽ tạo ra 21 triệu tấn khí thải carbon và lượng xả thải carbon từ sản xuất thép sẽ chiếm khoảng 17% tổng lượng xả thải carbon quốc gia đến năm 2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn