MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
VinFast niêm yết thành công tại Mỹ là lời khẳng định cho vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ toàn cầu. Ảnh: VinFast

Doanh nghiệp Việt Nam có thể chinh phục thế giới với nỗ lực và khát vọng

Anh Kiệt LDO | 13/10/2023 07:12

Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực không ngừng ghi dấu thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới. Không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm giàu với cá nhân mà doanh nghiệp đang dần thể hiện trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, với sự chuyển dịch rất rõ trong chiến lược kinh doanh.

Trong 1 năm nền kinh tế thế giới có nhiều bất định, môi trường lãi suất cao, khiến chi phí vốn tăng cao, nhiều thương vụ niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO) tại các thị trường lớn như châu Âu và châu Mỹ đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thành công.

Theo dữ liệu của Dealogic, danh sách IPO trên phố Wall tính đến thời điểm hiện tại đã đạt 18 tỉ USD, tăng 64% so với năm 2022. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số 289 tỉ USD được ghi nhận vào năm 2021 và 203 tỉ USD vào năm 2020.

Trong bối cảnh còn nhiều sự thận trọng, VinFast vẫn kiên định với kế hoạch IPO và niêm yết thành công trên sàn NASDAQ tại Mỹ. Sự kiện đánh dấu lịch sử khi lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam "đem chuông đi đánh xứ người" thành công tại thị trường vốn lớn có quy mô toàn cầu.

Trao đổi với Lao Động, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Vingroup, kiêm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu - chia sẻ, VinFast đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị niêm yết. Biến động liên tục của nền kinh tế toàn cầu, thách thức của thị trường hoàn toàn mới, vừa sôi động vừa khắc nghiệt bậc nhất thế giới cũng như áp lực phải làm quen với cách vận hành của các nhà đầu tư và các thành viên trên thị trường.

Bà Thuỷ nói: "Chúng tôi cũng có những thuận lợi nhất định. Xe điện là lĩnh vực rất tiềm năng, trong đó, VinFast là hãng xe sở hữu dải sản phẩm phủ rộng nhất, hội tụ nhiều lợi thế cạnh tranh. Vì vậy dù là thương hiệu mới nhưng VinFast đã được các nhà đầu tư ủng hộ và đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng. Bài học rút ra là nếu chúng ta làm ăn minh bạch, có sản phẩm tốt, có tiềm năng thì sẽ có cơ hội rất lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ".

Qua sự thành công ban đầu này, bà Lê Thị Thu Thủy bày tỏ niềm tin to lớn rằng người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cũng có năng lực và cơ hội như các quốc gia khác nếu thực sự nỗ lực, có ước mơ và khát vọng, dám vượt lên bản thân mình.

Thực tế sau sự kiện đình đám của thương hiệu xe điện này, "kỳ lân" công nghệ VNG cũng đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ. Từ một công ty khởi nghiệp chỉ 5 người, VNG đã trở thành công ty công nghệ có hệ sinh thái số thuần Việt lớn nhất Việt Nam và hiện nay đang nỗ lực trở thành công nghệ đầu tiên của Việt Nam niêm yết tại Mỹ.

"Sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc niêm yết quốc tế và sự hiện diện của những công ty đáng chú ý trong khu vực cho thấy, một bối cảnh đầy hứa hẹn cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang tìm cách mở rộng phạm vi tiếp cận và tiếp cận thị trường vốn toàn cầu" - ông Seth Farbman - Chủ tịch và đồng sáng lập của Công ty VStock Transfer có trụ sở tại New York - đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn