MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế năng lực về công nghệ tái chế

Cát Tường LDO | 07/07/2022 10:37
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng.

Hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng

Sáng 7.7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, tổ chức Hội thảo "Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam".

Hội thảo nhằm cung cấp và trao đổi các thông tin liên quan đến việc xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn tại Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề quan trọng đối với việc phát triển mô hình này và những kinh nghiệm rút ra từ những doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên môi trường, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

 Toàn cảnh Hội thảo "Áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam". Ảnh C.T

Tuy vậy, tính đến năm 2021, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hoàn chỉnh và đầy đủ. "Hiện nay, khung thể chế cho phát triển tuần hoàn chưa hoàn thiện; nhận thức về kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn còn hạn chế; phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, chưa nói đến năng lực đóng góp vào phục hồi các nguồn tài nguyên", ông Dương nhận định.

Đề cập sâu về những khó khăn khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở doanh nghiệp tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường nhận định, hiện nay nhận thức về kinh tế tuần hoàn vẫn là vấn đề mới của doanh nghiệp; còn sự bất cập về cơ chế chính sách giữa các luật, nhất là giữa luật bảo vệ môi trường, luật đất đai, luật xây dựng...; khó khăn từ mô hình kinh tế tuần hoàn cũ; thiếu nguồn vốn đầu tư; đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn cao; cần sự đổi mới về quy trình công nghệ, đặc biệt trong sản xuất và thu hồi chất thải rắn; khó khăn ở sản phẩm đầu ra...

Đòn bẩy để phát triển kinh tế tuần hoàn

Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận phát triển quan hệ đối tác, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam - VCCI đánh giá, cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. 

"Trong đó, cần hỗ trợ chấp nhận và xác thực trên khía cạnh pháp lý với các sản phẩm được thiết kế sinh thái; gắn chặt nghĩa vụ pháp lý của nhà sản xuất đối với vòng đời sản phẩm; chuyển đổi chính sách thuế dựa trên thu nhập của người lao động sang thuế khai thác tài nguyên; đặt ra các yêu cầu về cung cấp sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường trong mua sắm đầu tư công; hỗ trợ ưu đãi trong tiếp cận tài chính với các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Phạm Hoàng Hải cho rằng cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ảnh C.T

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, ông Nguyễn Anh Dương cũng chỉ ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. 

Đầu tiên, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, yêu cầu chủ trương và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, và người dân.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Chủ động trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế để tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về kinh tế tuần hoàn, các dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...) thân thiện với kinh tế tuần hoàn.

Tăng cường đối thoại công - tư về phát triển kinh tế tuần hoàn, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Rà soát, hoàn thiện khung chính sách và pháp lý nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện cơ chế phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn