MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo việc làm cho người lao động

Cường Ngô LDO | 13/10/2023 07:26

Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, thách thức, nhưng nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, chắt chiu từng đơn hàng cũ để có những kết quả kinh doanh ấn tượng, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

Ưu tiên đảm bảo việc làm cho NLĐ

Những ngày này, gần 400 công nhân (gồm cả chính thức và thời vụ) của Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, Bắc Giang) vẫn đều đặn đến nhà xưởng sản xuất các sản phẩm phụ tùng, linh kiện cho nhiều hãng ôtô để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Toàn bộ máy hoạt động 24/24 giờ, công nhân chia 3 ca để kịp các đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút trong quý IV/2023.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Vũ Thanh Tùng - Trưởng phòng cấp cao phòng hành chính nhân sự Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam - cho biết, hiện nhà xưởng vẫn sáng đèn, tất cả đều nỗ lực để nâng công suất sản xuất. Doanh thu trong năm nay của chúng tôi dự kiến tăng trên 10% so với cùng kỳ; lương thưởng công nhân được đảm bảo, không có công nhân nào bị cắt giảm hoặc ngừng việc.

Đối với ngành nhôm, năm 2023 là một năm thực sự khó khăn khi đơn hàng của doanh nghiệp nhôm sụt giảm khoảng 30%. Sản lượng sản xuất mặt hàng nhôm thanh định hình, cửa nhôm, cửa cuốn chỉ duy trì 60%, thậm chí có thời điểm xuống 30-40% so với bình thường.

Trước bối cảnh khó khăn này, đại diện Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành cho biết, doanh nghiệp "buộc phải chuyển đổi”. Từ việc xem xét quy hoạch tổng thể ngành, sản xuất nhôm nguyên chất, tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu “xanh” cho đến việc tiếp cận thị trường mới và mục tiêu cao nhất của công ty là đảm bảo được an sinh, việc làm cho người lao động.

Với ngành dệt may, 2023 là năm phải đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, đã có không ít doanh nghiệp tích cực sáng tạo, tìm kiếm các thị trường mới, vì mục tiêu đảm bảo việc làm cho người lao động. Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ là một minh chứng.
Tại Tân Đệ, người lao động được chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất đầy đủ và đời sống tinh thần phong phú. Với môi trường làm việc xanh, chuyên nghiệp và thân thiện, luôn đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động trong suốt thời gian dịch COVID-19 và giai đoạn phục hồi kinh tế, công ty đã được tôn vinh là “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.

Đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp vươn tầm khu vực và thế giới

Cách đây 19 năm, vào ngày 20.9.2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13.10 hằng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam". Đây cũng là ngày mà vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước.

Và trên hành trình phát triển, cùng với việc tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực và khả năng hội nhập quốc tế. Đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển như Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, Lộc Trời... Các sản phẩm phong phú, chất lượng cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu.

Là người có nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, lúc này doanh nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ kép: Trụ vững để vượt qua khó khăn “cơm, áo, gạo, tiền” trước mắt và khởi nghiệp tái cấu trúc theo hướng đổi mới, sáng tạo để phát triển bền vững.

Dù khó khăn vẫn đảm bảo thu nhập trung bình của người lao động khoảng 15 triệu đồng/tháng.

"Thực trạng của ngành cơ khí, xây dựng trong thời gian qua không mấy khả quan. Tuy nhiên, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim vẫn duy trì thu nhập của người lao động ở mức tốt.

Hiện tại, thu nhập trung bình của người lao động trong khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với khối văn phòng, mức lương dao động từ 22 - 25 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo mức thu nhập này, chúng tôi đã phải lựa chọn phân khúc công việc, khách hàng phù hợp với đặc thù ngành nghề cơ khí" - ông Phạm Hồng Hà - Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất, kiêm Giám đốc Nhà máy Cơ khí Xây dựng Tháp Kim cho hay.

Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm Việt Nam có thêm 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022. Đức Mạnh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn