MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu cần được tính đúng, tính đủ. Ảnh: Hải Nguyễn

Doanh nghiệp xăng dầu "than khóc" vì bất cập của Nghị định 95

Anh Tuấn LDO | 10/08/2023 12:57

Tuy được ban hành để sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu nhưng Nghị định 95 vẫn còn tồn tại nhiều điều không phù hợp thực tế, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp thua lỗ do cơ chế điều hành giá

Cách đây gần một tháng, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã được thành lập trên một trang mạng xã hội - đồng loạt ký đơn kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giải quyết những vướng mắc trong vấn đề kinh doanh xăng dầu và sớm ban hành lại Nghị định.

Những doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này có gần 9.000 cửa hàng xăng dầu, chiếm tới 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000 cửa hàng xăng dầu) không phải là con số nhỏ.

Họ đề nghị được gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị về các nội dung cần thiết phải sửa trong Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu.

Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Lâm Đồng cho biết, bình quân suất đầu tư 10 tỉ đồng mỗi một cửa hàng thì tổng tài sản ước tính là 90.000 tỉ đồng, gấp 1,5 lần tổng tài sản của Petrolimex (dữ liệu báo cáo tài chính năm 2020 công khai trên mạng).

Một cửa hàng xăng dầu đóng cửa hồi đầu năm 2023 vì kinh doanh thua lỗ. Ảnh: Anh Tuấn

Bình quân mỗi cửa hàng tối thiểu 3 nhân viên, theo vị giám đốc, tổng số việc làm do doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tạo ra là 27.000 người. Lương, các chế độ cho người lao động khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, tính ra 270 tỉ đồng/tháng và 3.240 tỉ đồng/năm.

Ấy thế mà doanh nghiệp bán lẻ phải cảnh "càng bán càng lỗ" nhiều năm qua. Lỗ vì cơ chế, lỗ vì những bất cập của Nghị định 95 kinh doanh xăng dầu chưa kịp sửa đổi. Số lỗ mà vị giám đốc ước tính của các doanh nghiệp bán lẻ giai đoạn cao điểm là 900 tỉ đồng/tháng.

"Chúng tôi hiểu rằng, kinh doanh có lúc này, lúc khác, khó khăn chia sẻ, nhưng việc đó diễn ra 1-2 tháng thì chấp nhận được, nay kéo dài cả năm thì không thể gồng được.

Việc thua lỗ này không phải do doanh nghiệp bán lẻ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu, có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh chi phí, quý 4.2022 lãi lên đến gần nghìn tỉ đồng", ông nói.

Sửa nhưng vẫn bất cập

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Rim - Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh) cho biết, một số thay đổi tại Nghị định 95 về đảm bảo dự trữ, lưu thông xăng dầu dẫn đến việc điều hành không linh hoạt, gây bất cập.

Cụ thể, Nghị định 83 quy định, doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo dự trữ, lưu thông trong 30 ngày; các doanh nghiệp sản xuất dự trữ dầu thô từ 30 – 60 ngày, phòng khi có sự cố bất ngờ thì các cơ quan chức năng có thể chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối kịp thời nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo phục vụ thị trường để tránh đứt gãy nguồn cung.

Nhưng đến Nghị định 95 thì rút ngắn xuống còn 20 ngày, khiến tiềm ẩn những rủi ro khi các nhà máy lọc dầu bị thiếu hụt nguồn cung, gây đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước.

Khi Nghị định 95 tiếp tục rút ngắn quy định về việc đến kỳ điều hành, cơ quan quản lý Nhà nước chưa điều hành thì doanh nghiệp được tăng bao nhiêu % theo khung mức. Điều này chưa được thể hiện trong Nghị định 95, chỉ đề cập tăng trên 10% thì báo cáo Chính phủ điều hành.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã soạn thảo Dự thảo sửa đổi các Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu và đã trình lên Chính phủ.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, kết hợp gửi công văn cho các bộ, ngành địa phương về việc rà soát và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Nỗi lo thiếu xăng dầu trước ngày lọc dầu Nghi Sơn ngưng để bảo dưỡng

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ ngưng hoạt động để bảo dưỡng từ ngày 25.8 tới. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, riêng tháng 7, lượng xăng dầu nhập khẩu tăng kỷ lục, với 1,05 triệu tấn, tương đương 790 triệu USD, tăng 61% về lượng, tăng 7,8% về trị giá so với tháng 7.2022.

Tuy vậy, tính lũy kế 7 tháng, các doanh nghiệp xăng dầu nhập khẩu tổng cộng 6,26 triệu tấn xăng dầu với tổng trị giá 4,95 tỉ USD, tăng 15% về lượng nhưng giảm 13,5% về trị giá so với cùng kỳ.

Cùng kỳ năm trước, chi nhập khẩu xăng dầu đạt 5,73 tỉ USD, như vậy, 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu xăng dầu các loại giảm 780 triệu USD so năm ngoái.

Việc sản lượng xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, trước bối cảnh Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng bảo dưỡng.

Từ đầu tháng 7, hóa dầu Nghi Sơn cũng đã thông báo tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng 55 ngày từ 25.8, sau gần 5 năm hoạt động. Nhà máy này đang đáp ứng khoảng 35 - 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn