MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp cần được hướng dẫn phòng chống dịch an toàn để tiếp tục sản xuất, mang lại của cải cho xã hội. Ảnh: Kh.V

Doanh nghiệp xin được sản xuất và đảm bảo các yêu cầu chống dịch COVID-19

Khánh Vũ LDO | 17/04/2020 16:36

Sau gần 3 tháng ngừng sản xuất, kinh doanh vì dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu "cạn hơi" cầm cự và có nguy cơ phá sản. Nên hay không cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại trong điều kiện dịch bệnh hiện nay? 

Không thể để máy móc rỉ sét, kinh doanh đình trệ

Mặc dù là một trong những đại gia hàng đầu của Việt Nam, nhưng tại Hội nghị đối thoại giữa Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô mới được tổ chức chiều 16.4, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết:

BRG là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nên chịu ảnh hưởng nặng nề. Ước tính sơ bộ của Tập đoàn cho thấy, mức thiệt hại vào khoảng 1.000 tỉ đồng, hiện có 3.700 tấn gạo chưa thể xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Nga đề xuất Chính phủ và TP.Hà Nội cần nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân golf trên tinh thần vẫn phải đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Trao đổi với PV Báo Lao Động trưa 17.4.2020, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng nhấn mạnh: Cuộc chiến chống COVID-19 phải xác định là lâu dài và phải có phương án sống chung với dịch. “Cần có quy định, bộ tiêu chí để đánh giá nguy cơ lây nhiễm của từng khu vực, đơn vị sản xuất kinh doanh để có giải pháp phù hợp, vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và thậm chí từng người dân phải đặt mục tiêu kép để phấn đấu, vì nếu chỉ chọn một mục tiêu riêng rẽ là chống dịch thì hơi dễ” – TS Nguyễn Đức Độ nói.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp phần nào, không thể và không bao giờ đủ khả năng “nuôi” doanh nghiệp.

Do đó, bản thân các doanh nghiệp phải tự vận động, chủ động tìm ra phương án phòng chống dịch hợp lý để đảm bảo an toàn phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định. Không thể chủ quan, lơ là, quá coi trọng mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua công tác phòng chống dịch và ngược lại.

“Doanh nghiệp phải được hoạt động mới tạo ra của cải cho xã hội và mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, tiền lương cho người lao động. Không thể tình trạng thiếu hụt nguồn hàng, trong khi máy móc đắp chiếu nằm rỉ sét trong kho, còn người lao động thì thắt lưng buộc bụng tính toán chi tiêu từng bữa khi thu nhập giảm sút vì dịch bệnh” – ông Đinh Hồng Dương (nhân viên Công ty Xăng dầu HFC chi nhánh Nghệ An), nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, trao đổi với PV Lao Động, Chủ tịch VCCI – TS Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, cần nhanh chóng phân loại các doanh nghiệp có nguy cơ, các doanh nghiệp ít nguy cơ để bố trí sản xuất, kinh doanh hợp lý, mang lại giá trị kinh tế, bởi nếu không hoạt động, bị đứt gãy dòng tiền, doanh nghiệp sẽ “chết”.

Hướng dẫn doanh nghiệp chủ động phòng dịch

Để các doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất an toàn trong khi dịch bệnh COVID-19 chưa được khống chế xong, nhiệm vụ đặt ra cho ngành y tế hết sức nặng nề.

Người lao động cần được làm việc để có thu nhập. Ảnh: Kh.V

“Cơ quan y tế cần có chỉ dẫn để doanh nghiệp tuân thủ. Các chỉ dẫn phải rất cụ thể, dễ hiểu, không sử dụng từ đa nghĩa thì mới không xảy ra tình trạng mỗi nơi hiểu một cách. Khi đó, doanh nghiệp cứ theo barem của cơ quan y tế mà thực hiện, vừa sản xuất kinh doanh, vừa đề cao giải pháp phòng dịch. Chi phí của doanh nghiệp có thể tốn kém hơn 1 chút, nhưng thà giá thành cao hơn mà vẫn  sản xuất ra sản phẩm, còn hơn "phong bế" toàn bộ hoạt động, không có lợi nhuận” – TS Nguyễn Đức Độ phân tích.

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, rất cần sự hậu thuẫn của Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội. Chưa thể khẳng định được bao giờ thì dịch bệnh COVID-19 kết thúc, nếu tiếp tục đóng cửa ngừng kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ có nguy cơ phá sản.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh khó khăn trăm bề như hiện nay, khi hầu hết các DN đều phải giảm quy mô sản xuất, hay đóng cửa ngừng hoạt động thì doanh nghiệp nào còn có thị trường, có nguyên liệu để có thể duy trì được sản xuất kinh doanh, cần phải trân quý, chắt chiu và tạo điều kiện thuận lợi cho DN đó hoạt động với điều kiện họ phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bởi sau hoạt động của DN là tăng trưởng, là nguồn thu ngân sách, công ăn việc làm và là nguồn bảo đảm an sinh, xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn