MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh đồng bộ và toàn diện có thể tiếp cận những cơ hội tiềm năng. Ảnh minh hoạ: EY

Doanh nghiệp xuất khẩu hành động từ sớm, thích ứng với thoả thuận xanh EU

Tuyết Lan LDO | 17/11/2023 05:57

Doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến của các chính sách xanh ở EU liên quan đến sản phẩm của mình để hành động từ sớm, chuẩn bị từ xa, thích ứng và phát triển. Tránh trường hợp doanh nghiệp không nghe, không biết hoặc biết sơ qua về thoả thuận Xanh EU.

Thoả thuận Xanh EU không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất mà còn liên tục phát triển theo thời gian. Để ứng phó với thoả thuận xanh đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần có nhận thức đúng, chuẩn xác về các thông tin liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI thông tin tại hội thảo “Thoả thuận Xanh EU tác động tới xuất khẩu của Việt Nam: Những điều doanh nghiệp cần biết” diễn ra ngày 16.11, khảo sát do VCCI thực hiện tháng 8.2023 cho thấy có tới 88-93% các doanh nghiệp và các chủ thể liên quan khác nhau chưa từng biết tới hoặc chỉ nghe nói sơ qua về thoả thuận xanh hoặc các chính sách, quy định cụ thể triển khai thoả thuận này mà EU đã thực hiện đến thời điểm này.

TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) - cho biết hạn chế của các đối tượng chủ thể kinh doanh dẫn đến những hiểu nhầm và ngộ nhận về thoả thuận xanh EU kéo theo những phản ứng trái chiều. Chính vì vậy thách thức đầu tiên mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam sang EU và các cơ quan tổ chức cần làm là nâng cao nhận thức về thoả thuận xanh và những chính sách liên quan.

Chỉ khi đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam mới có thể xây dựng chiến lược phù hợp: Từ đối phó sang thích nghi, từ cố gắng đáp ứng theo các tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể khi phát sinh sang nỗ lực đầu tư để chuyển dịch xanh, bền vững lâu dài.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, với một loạt các tiêu chuẩn xanh mới được bổ sung hoặc được nâng cấp theo các mục tiêu của thoả thuận xanh trong các lĩnh vực khác nhau sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua các thách thức liên quan tới năng lực về công nghệ, năng lực kiểm soát chất lượng theo chuỗi, năng lực lao động, năng lực giải trình và truy xuất thông tin. Trên thực tế, rất ít các doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng để ngay lập tức chuyển đổi và đáp ứng tất cả các khía cạnh năng lực như trên do nhiều yếu tố.

Tuy nhiên nhìn về dài hạn, nếu doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh đồng bộ và và toàn diện có thể tiếp cận được những cơ hội tiềm năng mở rộng thị phần ở EU, tiếp cận các thị trường phát triển với tiêu chuẩn tương tự như EU, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...." - bà Trang cho hay.

Theo GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam, cuối năm 2023 đà tăng trưởng của Việt Nam mạnh mẽ hơn, có thể trên 5% trong năm nay và những năm tiếp theo. Đầu tư FDI, đầu tư công, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan trọng để tăng cường năng lực tự chủ của Việt Nam.

“Để có thể vượt qua khủng hoảng có thể xảy ra, đạt mục tiêu ngắn và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam cần nâng cao sức chống chịu và phát triển bền vững. Trong đó, tiến tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh là một yếu tố quan trọng” - ông Andreas Stoffers cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn