MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành xuất khẩu quế hồi trị giá hàng trăm triệu USD của Việt Nam. Ảnh: Vinasamex

Doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng cơ hội trong biến động

LAN NHI LDO | 13/10/2022 20:30

Đại dịch COVID-19 được ví như cơn cuồng phong mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam buộc phải thích ứng, tận dụng cơ hội để vượt qua khó khăn trước mắt. Giống như một kỳ tích, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã thực hiện triệt để quy tắc phòng chống dịch cũng như chủ động đề ra các phương án xử lý linh hoạt để giữ ổn định sản xuất, kinh doanh.

Chống chọi với dịch bệnh

Trao đổi với Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi (Vinasamex) chia sẻ, hơn hai năm qua, dù Vinasamex không bị sụt giảm đơn hàng nhưng do tác động của đại dịch COVID-19, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, việc thuê tàu biển và vỏ container đóng hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp của chị Huyền phải đứng trước “bài toán” cân não về hiệu quả và lợi nhuận kinh doanh.

Theo chị Huyền, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, Vinasamex đã nhanh chóng đầu tư vùng sản xuất hữu cơ được sự công nhận của các tổ chức quốc tế và gấp rút hoàn thiện các “giấy tờ thông hành”, chứng chỉ chất lượng giúp doanh nghiệp luôn trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới. Cụ thể, Vinasamex là một trong số ít doanh nghiệp quế hồi có chứng chỉ Fairtrade (chứng nhận quốc tế về thương mại công bằng); chứng nhận hữu cơ về sản phẩm organic EU; chứng nhận Forlife (bảo vệ con người, môi trường, trách nhiệm xã hội), chinh phục được nhiều khách hàng và thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc...

“Đại dịch COVID-19 ập đến khiến Vinasamex cũng không thể tham gia các hội chợ quốc tế nhưng qua các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số, doanh nghiệp đã cố gắng kết nối thường xuyên được với khách hàng ở khắp nơi trên thế giới và xử lý đơn hàng khẩn cấp. Sang đến năm 2022, trong giai đoạn “bình thường mới”, Vinasamex mới có nhiều chuyến bay hơn để gặp gỡ trực tiếp đối tác, tìm kiếm thị trường, tìm hiểu về những cơ hội mới của ngành sản xuất, chế biến quế, hồi. 

Điểm thuận lợi cho Vinasamex là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp này tại Châu Á đều là đối tác trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia. Chính vì vậy, các ưu đãi về thuế quan, thuận lợi hóa thương mại đã hỗ trợ rất  nhiều cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển khi biết tận dụng cơ hội” - Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi (Vinasamex) nói. 

Buộc phải cho lao động nghỉ luân phiên trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, anh Phạm Đình Hải (SN 1987, chủ doanh nghiệp gỗ và sản phẩm mỹ nghệ Hồng Ngọc) đã phải cắt giảm nhân công, tìm cách duy trì xưởng sản xuất để công việc không bị gián đoạn. Để giữ thợ lành nghề làm việc, không ít doanh nghiệp như anh Hải đã chủ động tổ chức lại sản xuất, thay vì tập trung một chỗ. Doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho công nhân ăn, ngủ tại xưởng nhằm hạn chế tiếp xúc, giúp người lao động có thêm thu nhập đều đặn trong mùa dịch. 

Anh Phạm Đình Hải tâm sự: “Trong thời gian dịch bệnh, do khâu vận chuyển gặp khó nên nhiều hàng hoá tại các xưởng sản xuất đều bị đóng băng. Sản phẩm làm xong bị ùn ứ, chất đống tại chỗ hoặc phải hoãn lịch hẹn giao hàng cho khách nước ngoài cả tháng. Những doanh nghiệp có vốn duy trì lớn thì đỡ lo hơn, áp lực nhất là những doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng tiền tỉ. Sau khi Hà Nội chuyển trạng thái sang bình thường mới, để thích ứng với dịch bệnh, doanh nghiệp chúng tôi cũng đã từng bước hồi phục và mở rộng sản xuất. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ còn bắt nhịp với xu hướng, đưa hàng hoá quảng bá rầm rộ trên các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia như Amazon, Lazada, Sendo, Tiki”... 

Tăng kết nối, chủ động nắm bắt thông tin thị trường

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước những làn sóng đầy biến động như dịch COVID-19, lạm phát, bão giá xăng dầu, cước phí vận chuyển tăng chóng mặt... các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược cạnh tranh bài bản để bắt kịp xu hướng thị trường, vận dụng tốt kinh tế số hóa (digital economy) trong sản xuất kinh doanh.

Tại diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam cũng đưa ra bức tranh nhận diện về những khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam sau bối cảnh đại dịch COVID-19. Cùng với những khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn về nguồn lao động cả về số lượng và chất lượng, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, đó là việc tiếp cận thông tin về thị trường như các loại mặt hàng, sở thích thị trường, các rào cản kỹ thuật của thị trường có nhập khẩu hàng Việt Nam, thiếu thông tin về các loại công nghệ, thiết bị hiện đại cũng như giá cả liên quan.

Nhìn vào số liệu 8 tháng đầu năm 2022 về đăng ký kinh doanh, bà Hà Thu Thanh nhận định, cùng với các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, nền kinh tế cũng có các dấu hiệu phục hồi khi  hơn 100.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, bà Thanh cũng lo ngại khi nhắc tới số doanh nghiệp buộc tạm ngừng kinh doanh sau dịch COVID-19 tăng khá cao, hơn 50.000 doanh nghiệp, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng tính kết nối thông tin thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp cũng là yêu cầu cấp thiết mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Bởi hiện nay, thương mại toàn cầu (gồm cả đa phương và song phương) đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất.

Chính vì thế, Bộ Công Thương xác định trong những tháng cuối năm 2022 sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Từ đó khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới. Ở góc độ các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ những quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, quy trình quy định, yêu cầu điều kiện của các thị trường ngoài nước.

Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt hiệp định FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu. Bộ này cho rằng, vấn đề tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn