MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp xuất khẩu tỉ USD tìm mọi cách xoay xở để vượt khó

Anh Tuấn LDO | 27/02/2023 11:58

Những doanh nghiệp xuất khẩu tỉ USD trong các ngành dệt may, da giày, thuỷ sản... đang tìm mọi cách xoay sở vượt qua "bão tố" trước những biến động mạnh về lạm phát, tỉ giá, lãi suất leo thang. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, bù chi phí, đảm bảo việc làm là mục tiêu ưu tiên.

Doanh nghiệp tìm mọi cách để vượt khó

Năm 2022, Công ty Baseafood - một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản ở khu vực phía Nam xuất khẩu được 9.000 tấn thành phẩm thuỷ sản các loại, đạt giá trị khoảng 62 triệu USD.

Tuy nhiên, năm 2023, công ty chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn tăng 5% so với năm 2022. Lý do khiến Baseafood "hạ mục tiêu" xuất khẩu là vì khan hiếm nguyên liệu chế biến. 

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Baseafood cho biết, năm ngoái, công ty nhập khẩu khoảng 9 triệu USD nguyên liệu từ các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, nhưng năm nay, nguyên liệu ở những thị trường này gặp khó trước những biến động của thị trường thế giới.

Để "giải bài toán" thiếu nguyên liệu, ông Dũng cho biết đã lên kế hoạch mở rộng thị trường nhập khẩu, từ các nước Ấn Độ, Chi Lê, Tây Ban Nha, Na Uy, thậm chí đi xa hơn qua Úc, NewZealand… Với ông, nếu không kịp xoay xở, thích ứng với những biến động thế giới, thì doanh nghiệp sẽ muôn vàn khó khăn, công việc của hàng trăm lao động bị ảnh hưởng.

"Ngoài việc mở rộng thị trường nhập khẩu, bù đắp sự thiếu hụt nguyên liệu, chúng tôi cũng đang tính phương án gia công trở lại. Nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu rồi gia công tái xuất đi các nước có nhu cầu.

Song song đó sẽ làm đủ mọi cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm tinh chế, chế biến sâu, mở rộng nguồn sản phẩm cao cấp phục vụ người già, người bệnh, trẻ nhỏ để tăng lợi nhuận xuất khẩu.

Muốn làm được vậy, chúng tôi phải phát triển công nghệ, chuyển giao, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài về và "nâng cấp" tay nghề của người lao động để có thể chế biến được những sản phẩm cao cấp, tinh chế sâu" - ông Dũng nói.

Với dệt may - ngành xuất khẩu tỉ USD, nhiều doanh nghiệp cũng tìm cách để vượt qua "bão tố". Ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, nếu như năm 2021 và nửa đầu năm 2022, công ty được phép chọn lựa đơn hàng cho phù hợp với dây chuyền, tiêu chuẩn của công ty. Nhưng, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, có đơn hàng nào, công ty nhận đơn hàng đó. 

Doanh nghiệp dệt may tìm mọi cách xoay xở, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu. Ảnh: Anh Tuấn 

Thậm chí nhiều đơn hàng bị đối tác "ép giá" hạ giá trị xuống một nửa công ty vẫn buộc phải ký để duy trì sản xuất.

Hiện nay, đơn hàng công ty ký đến tháng 4.2023, song theo tính toán công ty không có lãi, nhưng đổi lại giữ ổn định sản xuất, giữ chân người lao động. 

"Thông thường bước vào quý 2 sẽ là cao điểm đơn hàng trong khi đó ngành dệt may có đặc thù riêng dù lao động giản đơn nhưng để tuyển nguồn nhân lực có nghề không dễ, vì vậy, chúng tôi chấp nhận bù giá để giữ vững sản xuất.

Hy vọng thời gian tới tình hình sẽ khởi sắc, công ty sẽ có những đơn hàng lớn bù cho những tháng bị ép giá" - ông Trịnh nói.

Chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm

Nhận định về thị trường dệt may trong năm 2023, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, thị trường thế giới chưa có tín hiệu rõ ràng của phục hồi và còn nhiều diễn biến trái chiều.

Trong đó tập trung vào một số dự báo như khả năng quay lại của lạm phát vẫn cao, lãi suất quý 1.2022 tiếp tục tăng tại Mỹ lên mức trên 5%; Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu chưa phục hồi, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa; Ấn Độ quyết tâm phục hồi bằng nhiều chính sách hỗ trợ dệt may sau 1 năm thất bát..

Về thị trường nguyên liệu: Bông, đang giằng co trong xu thế cầu yếu, giá thấp và khả năng Trung Quốc cần nhập lại bông làm cầu mua bông tăng dẫn đến giá có điều chỉnh;

Xơ, phụ thuộc nhiều vào giá dầu, mà hiện nay kịch bản giá dầu được nhiều tổ chức dự báo rất khác nhau từ 80 – 100 USD; sợi, nhu cầu sẽ tăng, nhưng giá chỉ cải thiện sau khoảng 3 tháng tới khi cơ bản hết tồn kho.

Để ứng phó với các yếu tố không mấy tích cực về nền kinh tế thế giới và sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực, Chủ tịch Lê Tiến Trường đề nghị các đơn vị trong hệ thống tiếp tục duy trì, kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động trong 6 tháng đầu năm, tiết kiệm nguồn lực để giảm khoản vay ngân hàng;

"Ngoài ra, chúng tôi cũng cân nhắc các chương trình đầu tư dự kiến của 6 tháng đầu năm; chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm, đảm bảo việc làm là mục tiêu ưu tiên, cũng như kiểm soát những khoản chi phí không cấp bách", ông nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn