MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp ngành gỗ đang có nhiều cơ hội trong bối cảnh khó khăn.

Doanh nghiệp xuất khẩu tìm hướng vượt khó mùa dịch

Gia Miêu LDO | 10/04/2020 09:13

Mặc dù tình trạng giao thương đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu TPHCM trong 3 tháng vẫn được ghi nhận con số tăng hơn so với cùng kỳ.

Báo cáo tình hình trong quý I.2020 của Cục Hải quan TPHCM cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu TPHCM trong 3 tháng đạt hơn 14 tỉ USD, tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu trong quý I đạt 13,3 tỉ USD, tăng 9,83% so với cùng kỳ.

Một điểm sáng khiến hoạt động xuất nhập khẩu của TPHCM ổn định đó là kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc không bị tác động nhiều, vẫn ổn định và tăng trưởng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 3 tỉ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ 2019. Hiện nay, Trung Quốc đã ổn định và phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chuyển hướng. Hàng hoá xuất khẩu chủ yếu là mặt hàng thuỷ, hải sản đông lạnh, trái cây, sản phẩm gỗ...

Doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành gỗ thời gian qua có thể nói là một trong những ngành đã nhanh chóng có sự thay đổi để vượt qua giai đoạn khó khăn mùa dịch COVID-19 và giữ được mức tăng trưởng khá trong hoạt động xuất khẩu. Vào đầu tháng 3 vừa qua, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đồ gỗ ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước nhằm chuyển đổi số và thúc đẩy bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Đây được xem như một trong những giải pháp giúp tháo gỡ tình trạng khó khăn trong hoạt động giao thương đang bị đình trệ do dịch COVID-19.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ tỉnh Bình Dương - Điền Quang Hiệp, tỉnh hiện có 1.600 doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ (chiếm 40% số doanh nghiệp gỗ trên cả nước), trong tháng 1, 2-2020 giá trị sản xuất của các doanh nghiệp có sự tăng trưởng. Nhưng kể từ đầu tháng 3 đến nay, dịch COVID-19 khiến 30% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đi các quốc gia như Mỹ, Đan Mạch sắp tới là các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) cũng sản xuất cầm chừng chờ “tín hiệu” mở cửa từ đối tác khi dịch bệnh được khống chế.

Dẫu vậy, một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá, đơn hàng dồi dào và liên tục phải tăng ca để đảm bảo tiến độ. Đó là các công ty hoạt động lâu năm trong ngành, có mạng lưới khách hàng rộng khắp, bao gồm Mỹ, Châu Âu… cho nên không phụ thuộc vào bất  kỳ thị trường nào. Đặc biệt là đã xây dựng được hệ thống bán hàng online từ sớm, giúp chủ động được thị trường và giao dịch qua các sàn thương mại điện tử. Hiện tại, các doanh nghiệp đang triển khai hợp tác với các sàn giao dịch điện tử lớn trên thế giới.

Theo đánh giá của Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM (Hawa), nhu cầu sản phẩm gỗ nội thất trên thị trường vẫn có. Dịch COVID-19 đã khiến sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc bị đình trệ, hầu hết các nhà máy chưa hoặc sản xuất cầm chừng, gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứngvà tạo ra lỗ hổng lớn về đơn hàng cần được lấp đầy. Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung, hiện nay, các khách hàng lớn tại Mỹ, Châu Âu, Australia, Nhật Bản… đang quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc, để giảm rủi ro phụ thuộc lớn vào nguồn cung nội thất từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á nổi lên là thị trường thay thế lý tưởng và Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực. Đó là cơ hội mà các doanh nghiệp cần nắm cơ hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn