MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm việc làm tại Ngày hội “Thanh niên công nhân và nghề nghiệp, việc làm tỉnh Đắk Lắk” năm 2022. Ảnh: Bảo Trung

Doanh nhân, doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế

BẢO TRUNG LDO | 13/10/2022 09:32

Đắk Lắk - Doanh nhân, doanh nghiệp là đòn bẩy quan trọng giúp phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, góp phần đưa Buôn Ma Thuột (thủ phủ của tỉnh) trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong tương lai gần.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), trao đổi với Lao Động, ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk (Giám đốc Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Ôtô An Phước) cho rằng: "Trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp trong thời đại mới, bối cảnh hiện nay là phải nhìn thấy các tiềm năng thế mạnh của địa phương, biến lợi thế đó thành thực tiễn, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động bản địa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Doanh nhân cần nắm bắt chuyển hóa từ cơ hội tiềm năng, thành mục tiêu cần hướng tới, để phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp của mình.

Cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước, qua ảnh hưởng của dịch COVID-19, tôi nhận thấy việc tập trung sản xuất quá nhiều tại một vài địa phương khi dịch bệnh xảy ra sẽ dẫn việc đứt gãy các chuỗi cung ứng, giống như việc bỏ trứng chung một giỏ".

Chân dung ông Phạm Đông Thanh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: B.T

Ông Thanh nhận định, kinh nghiệm cho thấy, các công ty có nhiều chi nhánh tại nhiều địa phương khác nhau, khi dịch bùng phát địa phương này thì các chi nhánh nằm tại địa phương khác vẫn có thể hoạt động và vẫn có hàng để giao cho khách hàng. Thứ nữa, việc giãn cách xã hội ở các địa phương có mật độ dân số thấp sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với các địa phương có mật độ dân số cao và việc công nhân lũ lượt bỏ về quê trong mùa dịch là một minh chứng dễ thấy nhất.

Khi người dân bỏ khu công nghiệp về quê thì sẽ rất dễ gây áp lực cho chính quyền về việc giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, đó cũng là lợi thế của doanh nghiệp địa phương khi nhận được nguồn nhân lực dồi dào mà các tỉnh có khu công nghiệp phát triển không tìm được.

Từ những dẫn chứng trên, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra đề xuất: "Dưới góc nhìn của các doanh nhân, thời gian này là cơ hội vàng để địa phương xây dựng, nhà máy nhà xưởng nhằm tổ chức sản xuất một cách bài bản. Doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế đất đai rộng lớn, giá rẻ, cộng với nguồn nhân lực dồi dào, để đi trước đón đầu việc dịch chuyển nhà máy, dịch chuyển sản xuất về tỉnh Đắk Lắk.

Cái cần nhất đối với các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là được cơ quan chức năng tạo điều kiện về các cơ chế chính sách để phát triển các khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp, khu chế biến chất lượng cao... để làm đòn bẩy phát triển kinh tế sâu rộng hơn nữa. Một khi cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương phát triển mạnh, bền vững sẽ góp phần quan trọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (theo kết luận 67 của Bộ Chính trị)". 

Lãnh đạo Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk trao kinh phí tài trợ cho cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Ảnh: B.T

Tương lai gần, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk sẽ sát cánh cùng chính quyền và các đoàn thể để tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh 2022 nhằm thu hút, tìm kiếm các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp lập nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, đơn vị phối hợp với tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, lập nghiệp để thương mại hoá thành những sản phẩm, những công ty cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn