MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với doanh nhân. Ảnh: TRẦN TUẤN

Doanh nhân “khẩn cầu” tỉnh tháo gỡ khó khăn

TRẦN TUẤN LDO | 14/10/2017 06:51

Tại buổi gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với doanh nhân diễn ra sáng 12.10, nhiều doanh nhân đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để tiếp tục phát triển, nếu không sẽ rơi vào bế tắc, thậm chí phá sản.

Nhiều kiến nghị chính đáng

Buổi gặp gỡ, đối thoại do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam (13.10) đã thu hút hơn 200 doanh nhân đến từ nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Tĩnh. Tại buổi đối thoại, ông Võ Văn Biển - GĐ HTX Đại Thành ở xã Sơn Kim (Hương Sơn) - nêu thực trạng, thời gian qua, HTX của ông gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Nguyên nhân là việc cấp GCNQSDĐ chậm, kéo dài gần hai năm nên không có “bìa đỏ” để thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thêm nữa, việc GPMB cũng do HTX tự bỏ tiền túi ra mà không được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, huyện như một số dự án khác.

Ông Trần Hào Quang - GĐ Cty TNHH Chế biến gỗ và Thương mại Hào Quang (địa chỉ Cty tại TP.Hà Tĩnh) - nêu thực trạng, sản phẩm của Cty là bàn, ghế, tủ... từ đồ gỗ chất lượng cao, giá thành cao hơn chút so với thị trường nên thời gian qua khó cạnh tranh với những đại lý bán đồ gỗ khác có giá thấp hơn. Vấn đề này, ông Quang mổ xẻ rằng, hằng năm nhiều trường học trên địa bàn mua sắm bàn, ghế nhưng chất lượng kém, chỉ dùng được 1 - 2 năm là hư hỏng, phụ huynh lại phải đóng góp tiền để mua sắm lại rất tốn kém. Do vậy, đề nghị khi tỉnh, huyện đầu tư công mua sắm đồ gỗ cần lựa chọn sản phẩm tốt, chất lượng để tránh lãng phí. Nhiều ý kiến từ các doanh nhân khác cũng nêu rõ khó khăn về vốn, về đội ngũ quản trị, về lực lượng lao động, về cơ chế, chậm giải quyết thủ tục... kiến nghị thời gian tới tỉnh và các sở, ngành cần quan tâm tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển.

Ông Trần Phát Đạt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp gỗ huyện Hương Khê phát biểu khẳng định rằng, doanh nghiệp dù khó khăn cũng tự đứng vững trên “đôi chân” của mình, không dám kiến nghị về việc hỗ trợ về kinh tế, mà chỉ cần thông thoáng về cơ chế, chính sách, đừng để chồng chéo trong các thông tư, nghị định, quy định... các văn bản dưới luật gây khó cho doanh nghiệp là tốt rồi. Chỉ cần như thế là doanh nghiệp sẽ phát triển tốt lên. Ông Hoàng Trung Thông - Tổng thư ký Hiệp Hội doanh nghiệp Hà Tĩnh - cũng phát biểu nêu rõ, doanh nghiệp Hà Tĩnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra quá nhiều, nội dung kiểm tra trùng lặp gây phiền phức cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị tỉnh quan tâm, tháo gỡ.

Ông Biển - GĐ HTX Đại Thành cho rằng chậm giải quyết cấp CNQSDĐ khiến HTX khó khăn trong vay vốn đầu tư. Ảnh: TRẦN TUẤN

Không được gây phiền nhiễu cho DN

Tại buổi đối thoại, sau mỗi câu hỏi, kiến nghị của doanh nhân đều được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh trả lời, giải thích cặn kẽ, đồng thời giao cho sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xem xét để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Các cơ quan quản lý phải làm thế nào hạn chế kiểm tra mà vẫn nắm được hoạt động của DN. Càng thanh tra, kiểm tra nhiều, chứng tỏ công tác quản lý Nhà nước còn yếu kém. Việc này đòi hỏi người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải thật sự tâm huyết vì doanh nghiệp” - ông Khánh chỉ đạo. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cải cách hành chính; thường xuyên lắng nghe kiến nghị để có đề xuất tháo gỡ; xử lý nghiêm những công chức nhũng nhiễu, phiền hà trong khi giải quyết thủ tục hành chính.

Hà Tĩnh hiện có gần 6.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98%. Đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập mới được 737 DN, giải thể 101 DN và thực hiện đăng ký tạm ngừng 137 DN. Hiện, tình trạng nợ thuế, nợ BHXH, nợ tiền lương vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn