MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nhân khẳng định có tình trạng găm hàng xăng dầu chờ tăng giá

Anh Tuấn LDO | 06/03/2023 11:42
Khẳng định tình trạng đầu cơ, găm hàng xăng dầu để chờ tăng giá là có, đại diện doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý thị trường công khai có bao nhiêu doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối găm hàng trong năm 2022.

Đề nghị mở room tín dụng và giải ngân cho các doanh nghiệp trong chuỗi xăng dầu

Tại tọa đàm trực tuyến "Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc" diễn ra sáng nay (6.3), ông Hoàng Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết, theo suy nghĩ của doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối là trung gian, gây đứt gãy, khiến chi phí tăng cao. 

Nếu thương nhân phân phối thực sự là trung gian, là nguyên nhân của vấn đề gây đứt gãy thì nên cắt bỏ. Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của đứt gãy là gì? Trên thực tế, thương nhân phân phối đang là bên bị đổ lỗ.

"Tôi đánh giá chỉ có 3 doanh nghiệp đầu mối minh bạch, tuy nhiên, mấy chục doanh nghiệp đầu mối còn lại không rõ lỗ hay lãi. Đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý thị trường chỉ ra cách làm sao xử lý tình trạng đầu cơ.

Tôi khẳng định tình trạng đầu cơ, găm hàng để chờ tăng giá mới bán là có. Đề nghị cơ quan quản lý thị trường công khai có bao nhiêu doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối găm hàng trong năm 2022. Nguyên nhân đứt gãy có phải do bán lẻ và phân phối không?", ông Dũng nói.

Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP). Ảnh: Như Ý

Bà Mai Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu đang đóng góp thuế cho ngân sách rất lớn mỗi năm. Tuy nhiên, những tồn đọng những vướng mắc của doanh nghiệp hơn 1 năm nay vẫn chưa được tháo gỡ, ổn định. 

Theo bà Hạnh, các nghị định về kinh doanh xăng dầu có từ hàng chục năm nay, giá xăng dầu thế giới đã có nhiều lần bất ổn, nhưng nguồn cung trong nước vẫn ổn định. Vấn đề chính của ngành xăng dầu lúc này, đặc biệt với các doanh nghiệp đầu mối chính là tiền và hàng. Nếu đầu mối không có tiền nhập hàng thì mọi việc vẫn không giải quyết được.

Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở room tín dụng LC và giải ngân cho các doanh nghiệp trong chuỗi xăng dầu (cả doanh nghiệp nhập khẩu, thương nhân phân phối) với điều kiện doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều phê duyệt tín dụng bằng cách thế chấp 100% tài sản bảo đảm. Đặc biệt ưu tiên tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu có doanh thu tỉ USD. 

"Các doanh nghiệp đầu mối phải có cơ chế riêng dành cho khách hàng truyền thống, chiết khấu dành cho các cây xăng bán lẻ tối thiểu 1.000 đồng/lít để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động. Đó là cách duy nhất để giữ thị trường bình ổn. Về phía cơ quan quản lý, cần có cơ chế chính sách ổn định", bà Hạnh đề xuất.

Doanh nghiệp đầu mối là tác nhân khiến bán lẻ và phân phối bị lỗ

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai - cho rằng, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ. Thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ. Doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ

"Sau sửa Nghị định 83, hậu quả đứt gãy làm doanh nghiệp điêu đứng rất rõ ràng. Lượng hàng dự trữ không còn, chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ. Bất cập là từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc điều hành ở đó bất cập. Chúng tôi rất lỗ, doanh nghiệp sắp chết", ông Phụng nói.

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai. Ảnh: Như Ý 

Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TPHCM) cho biết, trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận, nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuỗi cung ứng.

Điều này dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo, các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu 0 đồng, hoặc thông báo nguồn hàng chưa về cảng; hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng.

"Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định 95 lần này có đưa vào chi phí cố định cho bán lẻ trong cơ cấu giá thành không?", ông Thật nêu ý kiến.

Ông Thật cũng nêu những bất cập trong việc điều tiết Quỹ bình ổn, dẫn đến thiếu minh bạch. Cụ thể, khi giá thế giới xuống thì trích lập nhiều. Khi giá lên, xả ra ít làm giá trong nước không sát theo thị trường và số tiền trích lập quỹ bình ổn là tiền ứng trước của khách hàng nằm trong tài khoản doanh nghiệp đầu mối?

"Vậy đối tượng nào được phép quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu và sử dụng ra sao, trong khi đối tượng người tiêu dùng hoàn toàn không biết số tiền phải ứng trước bao nhiêu cho mỗi lít xăng dầu khi có nhu cầu?

Khi nào nhận lại, lãi suất ra sao, ai hưởng? Đó là quan hệ dân sự thiếu minh bạch. Trong khi đó Nhà nước không quản lý. Vậy theo Bộ Tài chính làm thế nào để minh bạch trong trích lập quỹ bình ổn để đạt được mục tiêu và ý nghĩa tên gọi “bình ổn” không ?" - ông Thật đặt vấn đề.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn