MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao và Vui chơi Gải trí Vũ Gia. Ảnh: Lam Quân

Doanh nhân trẻ Vũ Tiến Tuấn- Triệu Sơn, Thanh Hóa: Đánh thức đầm hoang

Lam Quân LDO | 16/08/2019 14:32

Doanh nhân trẻ Vũ Tiến Tuấn năm nay 36 tuổi, quê gốc ở thị trấn huyện Thiệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, từng sống và làm việc tại Đông Âu. Về nước, thấy khu vực “quy hoạch” làm Khu vui chơi giải trí thể thao của huyện mãi hoang hóa đìu hiu, lại thấy cả huyện không có đến một cái bể bơi, sân bóng, khu vui chơi đủ tiêu chuẩn nào cho bà con, Tuấn bèn mạnh dạn xin được đầu tư.  

Nuôi khát vọng cho các "cầu thủ" trẻ

Ngay lập tức nhiều người nhắc Tuấn phải thận trọng. Chỗ này vốn là ao cá, rồi là khu lau lác mọc um tùm, than bùn không cấy lúa được. Xây dựng một móng công trình nhỏ, đã mất cả trăm triệu tiền san nền và gia cố móng!

Trước tâm huyết của doanh nhân trẻ, cơ quan hữu trách đã cấp quyền sử dụng khu vực kể trên cho Vũ Tiến Tuấn trong 30 năm, theo diện xã hội hóa. Suốt 4 năm ròng vừa qua, bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tiền của đã đổ xuống, 17 hạng mục công trình lần lượt mọc lên trong sự đón nhận nhiệt liệt của bà con.  

Bắt tay vào xây dựng Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao và Vui chơi Giải trí Vũ Gia (gọi tắt là Trung tâm Vũ Gia), Tuấn gặp vô cùng nhiều khó khăn. Tuấn phải tự tay vẽ bản thiết kế các công trình ban đầu. Nuôi 20 con chó canh giữ vật liệu. Tình nguyện bỏ tiền làm và sửa vài đoạn đường xấu cho bà con xung quanh, mắc điện sáng ở nhiều nơi để tránh kẻ xấu tụ tập trong bóng tối.

Các hạng mục dần mọc lên trên diện tích 22.000 m2. Có đủ sân tennis, sân đào tạo bóng đá trẻ cho huyện nhà. Mỗi cháu được phát một quả bóng riêng, 1 cựu cầu thủ chuyên nghiệp và 3 cựu cầu thủ dự bị của đội tuyển Thanh Hóa phụ trách các lớp. Khi chúng tôi đến, sân tập tưng bừng dăm bảy chục cháu. Ở khu bể bơi, hai ô tô của xã Cán Khê đưa học sinh có thành tích tốt trong học tập xuống bơi và học bơi. Hết giờ, các thầy cô quản lý hò rát cổ mà trẻ không chịu rời bể bơi để về.

Bên cạnh là sân cỏ nhân tạo, đồi cảnh xanh mướt, các con thú lớn được dựng “tượng” một cách hết sức nghệ thuật. Khu xe ô tô đụng quy mô và hiện đại. Khu nhà bóng, khu trò chơi trẻ em sang trọng.  

Đặc biệt, điểm nhấn của khu vui chơi, thể thao, văn hóa này là hệ thống bể bơi đạt tiêu chuẩn quốc gia. Bể có chiều dài 50m, dung tích nước 1.000 m3, gồm 4 làn bơi, có sục mát-xa, có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Hệ thống tắm tráng sang trọng, với vòi sen riêng cho từng buồng và hệ thống lọc liên hoàn thuộc loại hiện đại nhất hiện nay.  

Khi chúng tôi đến, có cả người da đen châu Phi, cả người Lào đang bơi và tập bơi. Các cựu cầu thủ danh tiếng đang dạy trẻ em với đồng phục màu vàng rực rỡ, sân rộng xanh mướt cỏ nhân tạo. Anh Trần Trung Dũng, cựu cầu thủ đội tuyển bóng đá Thanh Hóa, đang làm huấn luyện viên tại đây, cho biết: Anh ấp ủ dự án đào tạo bóng đá trẻ từ lâu, nhưng trên địa bàn thiếu sân bóng đạt chuẩn. Từ khi Trung tâm Vũ Gia khai trương, anh Dũng như “đại bàng được chắp cánh”. Nó cực kỳ có ý nghĩa với giới trẻ, trước hết là tránh cho các cháu khỏi sự độc hại của màn hình tivi, điện thoại, ipad rồi game online, sau nữa là rèn luyện sức khỏe và ươm mầm tài năng bóng đá.

Những dịch vụ đáng mơ ước với người dân

Thầy cô dạy bơi tại đây đều có chứng chỉ về đào tạo bơi lội. Thầy Trịnh Tiến Dũng, 53 tuổi, một giáo viên được đào tạo Đại học Thể dục thể thao chuyên ngành bơi lội đã tham gia dạy mỗi ngày hai ca cho trẻ em trên địa bàn. Thầy Dũng cho biết: Mỗi khóa 16 buổi, chuyên gia cam kết trẻ em sẽ biết bơi được ít nhất 25m, với hai kỹ năng bơi trườn sấp và bơi ếch.

Anh Đậu Tam Tĩnh, 42 tuổi cho biết, “Nhà tôi cách đây 2 km, từ khi khu này khai trương, tôi hay đưa con đến đây chơi thể thao và tôi cũng chơi luôn. Được chơi bóng chuyền miễn phí tại sân tiêu chuẩn và an toàn thế này, tất nhiên là tôi rất vui”.

Chị Lê Thị Hằng, 40 tuổi, nhà ngay gần sân bóng Vũ Gia, rất tâm huyết: "Những khu như thế này quá cần thiết, tôi thấy bà con các xã, rồi cả từ huyện khác đến bơi lội và chơi bóng. Nếu họ có thu một ít phí sau quá trình đầu tư quá quy mô trong nhiều năm, dịch vụ đáng mơ ước như thế này, là rất hợp tình hợp lý”.

Vừa rồi, đưa người nhà ra Hà Nội khám bệnh, giữa cơn khát, Tuấn thấy có người đem bánh mì và nước lạnh phát miễn phí cho bà con. Rưng rưng xúc động, doanh nhân trẻ ngồi tính, tại sao mình không nấu cả một nồi cơm lớn, nồi cháo ngon và bổ dưỡng tặng cho bà con ở quê mình nhỉ? Thế là ngay lập tức kế hoạch được thực thi: mỗi tuần, Tuấn đài thọ toàn bộ kinh phí, kết hợp với đoàn thanh niên bệnh viện Thiệu Sơn, tổ chức nấu một nồi cháo từ thiện, cung cấp 150 suất cháo cho bệnh nhân. 

Không chỉ đánh thức đầm hoang thành một văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí được sự ủng hộ nhiệt liệt của đông đảo bà con, dự án còn đánh thức cả các giá trị nhân văn nhân ái khác trong cả cộng đồng rộng lớn. Đó là tâm nguyện tử tế của Vũ Tiến Tuấn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn