MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh thu của DOJI cao nhưng lãi và nợ không đạt như kỳ vọng

Lục Giang LDO | 05/06/2024 11:20

DOJI là doanh nghiệp kinh doanh trang sức có doanh thu hàng đầu Việt Nam, tuy nhiên lợi nhuận đạt được chưa như kỳ vọng. Mặt khác trong năm qua, khoản nợ phải trả của DOJI cũng tăng lên.

DOJI ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh 52% trong năm 2023 . Ảnh: Lục Giang

Quy mô “khủng” của DOJI

CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI được thành lập vào năm 2007 (tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, thành lập năm 1994). Số vốn điều lệ ban đầu của DOJI là 1.100 tỉ đồng. Cổ đông sáng lập gồm có ông Đỗ Minh Phú góp 770 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 70%, Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Đức Minh mỗi người góp 165 tỉ đồng, tương đương mỗi người sở hữu 15% còn lại.

Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của DOJI nhiều lần thay đổi giữa ông Đỗ Minh Phú, Đỗ Đức Minh và Đỗ Vũ Phương Anh. Hiện bà Đỗ Vũ Phương Anh (sinh năm 1980) là người đại diện pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc của DOJI.

Từ khi thành lập đến nay, DOJI nhiều lần thay đổi vốn điều lệ. Theo đó, năm 2016, công ty tăng vốn lên 1.500 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỉ lệ sở hữu không thay đổi. Tháng 1.2019, vốn điều lệ của DOJI đạt 2.000 tỉ đồng, đến tháng 9.2019, công ty tiếp tục tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng. Cập nhật 28.12.2021, theo đăng ký thay đổi gần nhất, vốn điều lệ của DOJI ở mức 4.500 tỉ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, DOJI có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con; 4 công ty liên kết, góp vốn; và hệ thống phân phối với 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm và hơn 400 đại lý trên toàn quốc.

Trong quá khứ, DOJI nhiều lần gây chú ý với những thương vụ M&A đình đám. Trong đó, đáng chú ý nhất là thương vụ thâu tóm Thế giới Kim Cương vào năm 2020 - một doanh nghiệp thuộc Top 3 doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc trang sức lớn nhất tại Việt Nam.

Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng với quy mô của Thế giới Kim Cương thời điểm đó, DOJI có thể phải bỏ số tiền không hề nhỏ.

Doanh thu cao nhất ngành trang sức nhưng lãi mỏng bất ngờ

Theo dữ liệu của Vietdata, DOJI là doanh nghiệp kinh doanh trang sức có doanh thu hàng đầu Việt Nam. Năm 2020, doanh thu của DOJI lên tới 100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh thu của doanh nghiệp tụt dốc khá nhanh. Năm 2022, DOJI ghi nhận mức doanh thu 77.191 tỉ đồng, giảm 19,7% so với năm 2021.

Mặc dù dẫn đầu về doanh thu trên thị trường trang sức nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp ở mức khá thấp so với doanh thu.

Theo báo cáo tài chính năm 2023 của DOJI, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 52%, xuống còn 491 tỉ đồng. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ hữu năm 2023 chỉ đạt 7,5%, năm 2022 con số là 17,39%.

Trước đó, cả năm 2022 DOJI báo lãi đột biến với 1.016 tỉ đồng, gấp 4,3 lần so với năm 2021 (233,8 tỉ đồng). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 17,4%. Còn hai năm 2019 và 2020, lợi nhuận sau thuế DOJI lần lượt chỉ là 151 tỉ đồng và 188 tỉ đồng. Có thể thấy tương quan lợi nhuận trên doanh thu của doanh nghiệp ở mức khá thấp.

Tại ngày 31.12.2023, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.745 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 2,35, trong khi cuối năm 2022 là 1,95. Như vậy, nợ phải trả của DOJI tính đến cuối năm 2023 là 15.850 tỉ đồng, tăng 28% so với con số 12.404 cuối năm 2022. Đồng thời con số này cao gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Điểm sáng đáng chú ý trong bức tranh tài chính của DOJI là đến cuối năm 2023, công ty không còn dư nợ trái phiếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn