MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tại Hà Nội lấy nước sinh hoạt từ xe téc. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Doanh thu VIWACO tăng 28%, Nước sạch Sông Đà báo lỗ

Thanh Giang LDO | 02/11/2023 12:31

Công ty Cổ phần (CTCP) VIWACO và Công ty Nước sạch Sông Đà đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Trong khi VIWACO lãi lớn thì Nước sạch Sông Đà báo lỗ.

VIWACO lãi lớn

CTCP VIWACO (UPCoM: VAV) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt 232 tỉ đồng, tăng thêm 28% so với cùng kì. Phía doanh nghiệp cho biết, doanh thu nước sạch tăng so với quý III/2022 chủ yếu là do thực hiện giá bán lẻ nước sạch mới từ 1.7.2023.

Trong kỳ, giá vốn bán hàng VIWACO xấp xỉ 170 tỉ đồng, qua đó, giúp lãi gộp công ty đạt 62 tỉ đồng, tăng 24%. Sau khi trừ các loại chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính..., VIWACO báo lãi sau thuế hơn 40 tỉ đồng, tăng 38% so với quý III/2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, VIWACO đưa về 583 tỉ đồng doanh thu, tăng 19% so với 9 tháng đầu năm 2022. Lãi sau thuế 69 tỉ đồng, tăng 13%.

Năm 2023, VIWACO đặt kế hoạch doanh thu hơn 781 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 88 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành được 75% kế hoạch doanh thu và 78% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra trong năm.

VIWACO được hưởng lợi khi giá bán lẻ nước sạch tăng. Ảnh: Chụp màn hình

Tại ngày 30.9.2023, tổng tài sản VIWACO đạt 855 tỉ đồng, tăng thêm 9% sau 9 tháng. Tiền mặt và tiền gửi của công ty chiếm tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu tài sản. Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 249 tỉ đồng, tăng 51% so với hồi đầu năm. Ngoài ra, doanh nghiệp có 42 tỉ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả VIWACO đạt 373 tỉ đồng, tăng 12% so với hồi đầu năm. Bao gồm, nợ vay tài chính công ty còn 161 tỉ đồng, giảm khoảng 14 tỉ đồng.

Nước sạch Sông Đà báo lỗ

Trong khi đó, CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (UPCoM: VCW) - đơn vị cùng ngành hiện nắm giữ 15,1% vốn của VIWACO lại bất ngờ báo lỗ trong quý III/2023.

Theo báo cáo tài chính Nước sạch Sông Đà, kết thúc quý vừa qua, doanh thu công ty đạt 136 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kì. Đồng thời, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hơn 2 tỉ đồng, trong khi cùng kì lãi xấp xỉ 50 tỉ đồng.

Giải trình cho biến động về kết quả kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Quý - Tổng Giám đốc Nước sạch Sông Đà - thông tin, trong kì báo cáo, doanh thu bán hàng tăng 3% nhưng tổng chi phí lại tăng 74%, dẫn đến lợi nhuận âm.

Chi phí tăng cao là do công ty đã hoàn thành và đưa vào vận hành một số hạng mục công trình của giai đoạn 2, do đó khấu hao tài sản cố định và chi phí lãi vay tăng cao.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Nước sạch Sông Đà đưa về 418 tỉ đồng doanh thu, tăng 5% so với 9 tháng đầu năm 2022. Lãi sau thuế gần 36 tỉ đồng, giảm đến 77%.

Nước sạch Sông Đà bất ngờ báo lỗ trong quý III/2023. Ảnh chụp màn hình

Tại ngày 30.9.2023, tổng tài sản Nước sạch Sông Đà đạt 3.434 tỉ đồng, tăng thêm hơn 500 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt tại công ty hơn 2 tỉ đồng và tiền gửi ngân hàng 56 tỉ đồng, tăng 51% sau 9 tháng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang còn 121 tỉ đồng, giảm đến 92% so với thời điểm đầu năm. Biến động này đến từ việc chi phí xây dựng Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông chỉ còn ghi nhận gần 6 tỉ đồng, trong khi tại ngày 1.1.2023 lên đến 1.516 tỉ đồng.

Đồng thời, tài sản cố định của Nước sạch Sông Đà đạt 2.762 tỉ đồng, tăng thêm 1.932 tỉ đồng sau 9 tháng.

Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà còn 2.058 tỉ đồng, tăng 32% so với hồi đầu năm. Chiếm phần lớn là nợ vay tài chính với 1.787 tỉ đồng, tăng 52%.

Nợ vay tăng nhanh là phần nguyên nhân khiến chi phí lãi vay phình to, bào mòn lợi nhuận Nước sạch Sông Đà đưa về cuối kì.

Đơn cử, chỉ tính riêng trong quý III/2023, công ty đã phải dành đến 38 tỉ đồng để trả chi phí lãi vay, trong khi cùng kì chỉ khoảng 12 tỉ đồng.

Theo Quyết định số 3541 phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội, hộ gia đình sử dụng mỗi tháng trên 10 đến 20m3, giá nước 6 tháng cuối năm sẽ tăng từ 7.052 lên 8.800 đồng/m3 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; sử dụng trên 20 đến 30m3, giá tăng từ 8.669 lên 12.000 đồng và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024.

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3 một hộ mỗi tháng vào năm 2024.

Với khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và phục vụ mục đích công cộng, giá nước sạch trong 6 tháng cuối năm là 12.000 đồng/m3 và năm 2024 là 13.500 đồng/m3. Với cơ sở sản xuất, giá nước 15.000 đồng/m3 trong sáu tháng cuối năm 2023 và tăng lên 16.000 đồng/m3 năm 2024.

Giá nước cho hoạt động kinh doanh dịch vụ cao nhất - 27.000 đồng/m3 trong 6 tháng cuối năm và tăng lên 29.000 đồng/m2 năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn