MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một sản phẩm vàng miếng của SJC. Ảnh: Hải Nguyễn

Độc quyền vàng miếng, SJC thu về hàng chục nghìn tỉ đồng doanh thu

Nhóm Phóng viên LDO | 27/12/2023 09:51

Là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng trong nước, không quá bất ngờ khi doanh thu Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp này đưa về lại khá khiêm tốn.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này.

Là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng trong nước, không quá bất ngờ khi doanh thu SJC lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp này đưa về lại khá khiêm tốn.

Đơn cử, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC công bố, kết thúc năm 2022, doanh thu công ty đạt 27.154 tỉ đồng, tăng khoảng 9.465 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn neo cao ở mức 26.903 tỉ đồng, nên doanh nghiệp chỉ thu về hơn 250 tỉ đồng lợi nhuận gộp, tăng 89% so với năm trước đó.

Trong năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính Vàng SJC đạt 4 tỉ đồng, giảm 50% so với năm 2021. Chi phí tài chính hơn 40 tỉ đồng. Chi phí bán hàng hơn 54 tỉ đồng, tăng 74%. Chi phí quản lý doanh nghiệp 90 tỉ đồng, tăng 34%.

Kết quả, SJC báo lãi trước thuế năm 2022 gần 69 tỉ đồng, tăng 56% so với cùng kì. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 49 tỉ đồng, tăng 14%.

Điều này đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) của SJC là 0,18%. Như vậy, trong năm 2022, cứ 100 đồng doanh thu thuần thì công ty làm ra 0,18 đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.

Doanh thu lớn, nhưng lợi nhuận SJC đưa về khá khiêm tốn. Ảnh: Chụp màn hình

Thực tế cho thấy, câu chuyện SJC có doanh thu lớn, song lợi nhuận đưa về “hạt tiêu” là chủ đề được dư luận quan tâm trong những năm qua, bởi đi kèm với đó, thuế thu nhập doanh nghiệp công ty đóng góp theo sổ sách là không đáng kể so với doanh thu và bối cảnh là doanh nghiệp độc quyền phân phối vàng miếng.

Đơn cử, báo cáo lưu chuyển tiền tệ (báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022) của SJC cho biết, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp công ty đã đóng trong năm 2022 là gần 15 tỉ đồng, năm 2021 là 17 tỉ đồng.

Tính cho giai đoạn từ năm 2015 - 2022, tổng doanh thu SJC là hơn 170.000 tỉ đồng, thế nhưng số lợi nhuận trước thuế trên sổ sách công ty chỉ đạt hơn 500 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đưa về khoảng 400 tỉ đồng.

Đồng thời, tổng hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp SJC đã nộp trong giai đoạn này trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ (báo cáo tài chính đã kiểm toán các năm của SJC) khoảng 100 tỉ đồng.

Ảnh: Chụp màn hình

Theo giới thiệu, SJC tiền thân là Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC được thành lập năm 1988, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TPHCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con như một tập đoàn kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ.

Sau ngày 16.9.2010, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC chuyển đổi với tên gọi mới là Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC (Saigon Jewelry Company Limited).

SJC định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia trong vài năm tới, phát triển ngành kinh doanh vàng và trang sức với nền tảng một thương hiệu quốc gia để trở thành thương hiệu quốc tế.

Mô hình công ty gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con, 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc. Bên cạnh đó, SJC còn có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn