MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Đổi đất lấy hạ tầng”: Mua đắt bán rẻ, 21 dự án “vênh” gần 4.000 tỉ đồng

KH LDO | 19/10/2017 11:32

Từ việc kiểm toán 21 dự án BT “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỉ đồng, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán.

Con số công bố tại “Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” do KTNN tổ chức ngày 19.10 này được nhận định là rất lớn và cho thấy lỗ hổng cơ chế triển khai dự án BT khi đổi đất công với giá rẻ lấy các công trình bị thổi giá cao.

Bất cập của các dự án BT được các chuyên gia thẳng thắn chỉ ra tại hội thảo. Tại không ít địa phương, chính quyền đã phải đổi quyền sử dụng một lượng lớn đất (do giá trị đất không đủ cao) để có được một công trình không lớn cả về quy mô lẫn ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế. Dự án đường Lê Đức Thọ kéo dài (Hà Nội) là một ví dụ khi để có công trình dài chỉ 3,5km theo hình thức BT chính quyền địa phương phải thanh toán quỹ đất khoảng 70ha cho nhà đầu tư

Nhiều dự án BT bị phát hiện nhiều sai phạm khi có chất lượng công trình kém, chi phí đội cao gây thất thoát ngân sách nhà nước. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 15 dự án BT trên địa bàn Hà Nội thì chỉ có tới 14 dự án là chỉ định thầu, nhiều nhà đầu tư yếu kém và cả 15 dự án BT này đều có sai phạm ở mức độ khác nhau.

Việc nhà nước đổi đất giá rẻ lấy công trình giá cao được các chuyên gia minh chứng cụ thể. Chẳng hạn, nhà nước sẽ bồi hoàn các chi phí dự án cho NĐT bằng một khu đất được định giá ngay khi ký thỏa thuận dự án BT với mức trong khung giá được quy định. Sau thời gian nhất định mà giá đất tăng lên theo thị trường, đặc biệt trong trường hợp do tác động của chính công trình hạ tầng có liên quan được xây dựng, phần tăng đó sẽ được NĐT hưởng trọn. 

Ví dụ ở Hà Nội tháng 1/2008, Tập đoàn Nam Cường khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông với tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng và được đối ứng hơn 197ha để thực hiện Khu đô thị Dương Nội. Tại thời điểm bàn giao quỹ đất, cơ quan chức năng áp giá đất khoảng 8,5 triệu đồng/m2 và sau khi tuyến đường hoàn thành, giá đất lên mức 30-40 triệu đồng/m2. Các chuyên gia cho rằng nhiều dự án BT không nằm trong quy hoạch, chưa xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và xã hội mà phục vụ lợi ích của NĐT và lợi ích nhóm.

Đại diện KTNN nhận định hình thức đổi đất lấy hạ tầng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương. Nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn