MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đói đơn hàng, doanh nghiệp thận trọng đầu tư tàu mới

LAN NHI LDO | 12/11/2022 06:00
Đơn hàng và giá cước vận tải biển cùng chiều đi xuống đang đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp logistics, cảng biển. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng xu hướng giảm sản lượng và giá cước sẽ chưa có điểm dừng, thị trường logistics sẽ “không có mùa cao điểm” trong những tháng cuối năm 2022.
Doanh nghiệp logistics đói đơn hàng cuối năm. Ảnh: DN
Kinh doanh ảm đạm

Bà Lê Thị Ngọc Diệp - Giám đốc thương mại Công ty SLP Việt Nam - chia sẻ, thị trường logistics Việt Nam với sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp nhưng phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ và có rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa tiến sâu vào chuỗi cung ứng, đây là một trong những khó khăn cần phải kể đến.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp chỉ mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng với vai trò là nhờ thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp và đây là một trong những vướng mắc trong ngành logistics Việt Nam hiện nay.

Phía Công ty TNHH dịch vụ thương mại giao nhận ATA cho biết, trong năm 2021, các công ty logistics đã "chóng mặt" vì đơn hàng, xoay tàu cho khách thì năm 2022 có phần vắng vẻ, đơn hàng vận chuyển ít và giá cước cũng thấp hơn. Phía ATA vẫn có đơn hàng xuất nhập khẩu ở các thị trường song số lượng ít hơn năm 2021.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics cũng ghi nhận chiều vận chuyển hàng đi đang khá chậm, còn hàng nhập vẫn về đều đặn. Hậu COVID-19, logistics quốc tế và nội địa đều thưa vắng khách hơn, kinh tế eo hẹp khiến mọi người không sẵn sàng mua hàng như trước, kèm theo yếu tố cảng và tàu không còn quá tải như năm 2021, space (chỗ trên tàu) còn nhiều.

Thận trọng đầu tư tàu mới

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan tháng 9.2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 58,74 tỉ USD, giảm gần 11% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 29,9 tỉ USD.

Các ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu tỉ USD như dệt may cũng đi xuống 27% so với tháng 8, gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 21%, thủy sản giảm 14%, giày dép giảm 22%...

Nhiều doanh nghiệp logistics phản ánh lượng đơn hàng đã giảm tới 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là hàng xuất đi khu vực Mỹ và EU.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là từ hai thị trường hàng đầu của Việt Nam là Hoa Kỳ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9 nên kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 10 ước tính tăng không nhiều so với tháng trước đó. Trong tháng 10.2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,27 tỉ USD.

Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dự đoán, ngành vận tải biển sẽ suy thoái nếu nguồn cung tàu mới tăng trong khi nhu cầu vận chuyển giảm. Chu kỳ bùng nổ hay suy thoái của ngành này có thể lên tới 2 năm, bằng thời gian để đóng một con tàu mới.

Theo SSI Research, các hãng vận tải hiện nay cũng thận trọng hơn khi đầu tư đóng mới tàu, tỉ lệ đơn đóng mới trên tổng đội tàu chỉ đạt 28%. Tuy nhiên, tình trạng cung vượt cầu vẫn khó tránh khỏi nếu tất cả đơn hàng được giao xong mà nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa phục hồi.

Đối mặt với nguy cơ cung vượt cầu trong 2 năm tới, các hãng vận tải sẽ giới hạn nguồn cung để kiểm soát giá cước. Điều này dễ thực hiện hơn trước đây do phần lớn năng lực vận tải toàn cầu do các hãng vận tải hàng đầu kiểm soát. SSI Research tin rằng, giá cước giao ngay sẽ tìm thấy điểm cân bằng cao hơn mức trước COVID-19 và mang lại hy vọng cho ngành vận tải biển.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng đánh giá xu hướng giảm sản lượng và giá cước.

Trước diễn biến phức tạp của bối cảnh kinh tế thế giới, thị trường logistics được nhận định sẽ “không có mùa cao điểm” do nền kinh tế toàn cầu khó khăn, phía đối tác vận chuyển thiếu đơn hàng trong mùa cao điểm cuối năm.

Chuyên gia cũng ra định hướng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam phải chú ý theo dõi sát diễn biến của thị trường vì tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Hiện nay xuất nhập khẩu đang đứng trước những khó khăn về thị trường truyền thống như EU, doanh nghiệp cần mở rộng thị trường trong và ngoài khu vực, tận dụng tốt các Hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP…

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục thực hiện việc cải tiến quy trình nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng trong điều kiện khó khăn mới sau dịch COVID-19.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn