MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông quan hàng nông sản sang Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) ngày 6.2.2020. Ảnh: T.Chí

Đối mặt với virus Corona: Lên kịch bản phát triển kinh tế

Cao Nguyên - Đặng Tiến LDO | 07/02/2020 07:33
Dịch do virus Corona có thể khiến GDP quý I/2020 giảm 0,4% và nếu dịch cúm do Corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quý là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết là 0,89 điểm phần trăm. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Và dịch kéo dài, kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm còn 6,09%. Cả 2 kịch bản này đều thấp hơn so với mục tiêu được Chính phủ và Quốc hội đề ra là 6,8% cho năm 2020.

Dịch Corona ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5.2.2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, với các kịch bản này, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn. Chính phủ tiếp tục khẳng định nhất quán tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm; mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển bền vững; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch bệnh do virus Corona. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo các số liệu tổng hợp và tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona “là rất nghiêm trọng”. “Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, tăng trưởng giảm còn 6,09%”, ông Phương cho hay.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng lý giải, đây chỉ là con số ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát thường xuyên phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, ông khẳng định.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh  tế, dịch bệnh do virus Corona gây ra có thể khiến GDP quý I giảm 0,4%. Đây là kịch bản nếu dịch nCoV nằm trong kiểm soát, số ca nhiễm và tử vong không lớn. Cùng đó, theo báo cáo thị trường trái phiếu mới nhất vừa được Công ty chứng khoản Bảo Việt (BVSC) công bố, thông tin đáng quan tâm nhất hiện nay là dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) có thể sẽ có những tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc có thể gặp khó khăn. Với rủi ro nói trên, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm... sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một số ngành có thể được hưởng lợi từ những thị trường của Trung Quốc như dệt may, sắt thép và săm lốp ôtô.

Tự chủ phát triển nội lực

Theo báo cáo thống kê trong tháng 1.2020, vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Cùng đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Trong thời gian tới, Chính phủ xác định việc chống dịch bệnh do virus Corona là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ngay từ ban đầu Chính phủ bày tỏ quyết tâm cao và chỉ đạo rất mạnh để các Bộ ngành, địa phương phải quan tâm và đặt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh lên hàng đầu là điều rất đúng, cần thiết. “Chúng ta chưa đến mức phải đóng cửa biên giới, nhưng với tinh thần sẵn sàng cho việc này thì đây là việc tốt. Chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe con người. Nếu để dịch bệnh bùng phát lớn ở Việt Nam thì hậu quả của nó nghiêm trọng kinh khủng hoảng cả về con người và thiệt hại kinh tế. Giá thiệt hại về con người thì không gì bù đắp được”, chuyên gia này nói.

Cũng theo bà Lan, việc Thủ tướng chỉ đạo bên cạnh phòng chống dịch thì phải phát triển kinh tế là rất đúng. Bởi lẽ, không ai vì dịch bệnh mà đình trệ toàn bộ các hoạt động kinh tế của mình. Ngay cả Trung Quốc họ cũng phải tiến hành những hoạt động kinh tế bình thường, ở nơi nào có dịch bệnh thì họ tập trung cao độ để chống dịch. “Có những ngành như du lịch, giao thông vận tải, các mặt hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc cần phải quan tâm và chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, các ngành, dịch vụ khác thì cần phải tập trung sản xuất. Phải cố gắng làm, tăng tốc làm để bù đắp thiệt hại”, bà Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, về quan hệ thương mại với Trung Quốc, hiện nay có những mặt hàng đã ký hợp đồng nhưng không thể giao nhận và trả hàng được vì dịch cúm virus corona là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, qua đây cũng cho thấy rằng, nếu những mặt hàng mà Việt Nam thường mua của Trung Quốc thì cần phải có phương án chuyển sang mua của nước khác. “Tôi cho rằng, Việt Nam cần phải có phương án dài hạn để không còn lệ thuộc, chúng ta phải độc lập, tự chủ cao hơn về kinh tế...”, bà Chi Lan nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn