MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối thoại với doanh nghiệp, người lao động cần đổi mới, linh hoạt hơn. Ảnh: N.A

Đổi mới đối thoại, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp

NGUYÊN ANH LDO | 12/10/2022 15:43

Kiên Giang - Việc đổi mới phương thức đối thoại doanh nghiệp, vận dụng những tính năng vượt trội của việc chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp kịp thời gỡ khó những vướng mắc, nhanh chóng phục hồi.

Không chỉ gỡ khó trên văn bản

Tính đến giữa tháng 9.2022, số doanh nghiệp thành lập mới của tỉnh Kiên Giang là 1.400, có 340 doanh nghiệp hoạt động trở lại, người lao động được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Theo Sở Công thương Kiên Giang, tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát rà soát, đánh giá hiện trạng sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định, góp phần chung vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội có hơn 250 hội viên. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 45% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 40% doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, 15% doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Với vai trò cầu nối của doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước và ngược lại, Hiệp hội đã kịp thời tiếp thu, phản ánh, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mặc dù công tác đối thoại giữa UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đã giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhưng vẫn còn những bất cập khách quan và chủ quan. Việc đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp của các sở, ngành thời gian gần đây chỉ dừng lại ở hình thức trả lời bằng văn bản, khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ tận gốc.

Với các vấn đề đặt ra, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị giám đốc các sở, ngành nghiên cứu mô hình hoạt động hiệu quả của hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác để học tập, áp dụng cái hay cái mới. Bên cạnh đó phải đổi mới hình thức đối thoại, không nên rập khuôn theo lối mòn, vấn đề nào khó khăn, vướng mắc phải tranh thủ giải quyết sớm không kéo dài chỉ trả lời trên giấy nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp cũng là góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện nay, Kiên Giang chủ trương ứng dụng mạnh mẽ, tiên phong công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, phương thức sống, làm việc, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tỉnh này phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số chuyển đổi số tốt nhất của cả nước.

Ông Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang - cho biết: "Tỉnh xác định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số. Phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường".

Đặc biệt, tỉnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, triển khai thí điểm ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới để chuyển đổi số đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Tranh thủ thời cơ bứt phá

Hiện nay tình hình dịch COVID-19 cơ bản kiểm soát ổn định, các mặt về kinh tế xã hội của tỉnh phục hồi nhanh chóng. Để đạt và vượt hơn nữa các chỉ tiêu kinh tế đến cuối năm, UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh. Tập trung vào các nội dung đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, xem nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, quy định pháp luật, nhất là trong thực thi các quy định, thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, điều kiện kinh doanh. Đảm bảo thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng, trên đà tăng trưởng tích cực tỉnh sẽ tranh thủ thời cơ để bứt phá, mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt gần 7%. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quý III-2022, kinh tế - xã hội của Kiên Giang tiếp tục phục hồi và phát triển tốt. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 52.000 tỉ đồng, tăng hơn 8,6% cùng kỳ, đạt mức cao thứ hai kể từ năm 2012. Kinh tế phục hồi tốt trên các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khu vực, trong đó cao nhất là khu vực III (du lịch - dịch vụ). Nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng từ bằng và cao hơn bình quân cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn