MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương phát biểu chỉ đạo tại hội thảo về ngành dịch vụ. Ảnh: TT

Đổi mới tư duy phát triển dịch vụ trên nền tảng công nghệ

THUỲ TRANG LDO | 05/08/2022 14:07

Ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh, với tỷ trọng chiếm 40% trong GDP và có vai trò là động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ngành dịch vụ cần được phát triển với sự đổi mới trong tư duy, dựa trên nền tảng chuyển đổi số.

Sáng 5.8, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương nêu rõ, thực tế đã chứng minh rằng, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Các ngành dịch vụ đã phát triển đa đạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề lớn đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao. Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn có tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao…

“Thực tế các tồn tại, hạn chế nêu trên đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới, để xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới” - Trưởng ban Kinh tế trung ương nhìn nhận.

Từ thực tế trên và các ý kiến của chuyên gia tại hội thảo, ông Tuấn Anh nhấn mạnh một số nội dung sau:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sảng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm.

Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành.

Thứ hai, cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin. Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác.

Phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, đặc biệt cần chú trọng và phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội…

Thứ ba, tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam.

Thứ tư, phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống.

Cuối cùng, cần tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục; chú trọng tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục số, đặc biệt là đại học số trên cơ sở ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập đề thúc đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn