MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia hiến kế thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Tuyết Lan

Đổi mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Tuyết Lan LDO | 11/01/2024 17:24

Trong năm 2024, tình hình địa chính trị kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp dẫn đến hệ luỵ đa chiều đối với toàn bộ nền kinh tế. Điều này đã tạo ra những thách thức và động lực cho kinh tế Việt Nam.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân qua hoạt động kích cầu đầu tư

Phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 16 với chủ đề: “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” tổ chức ngày 11.1, bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: "Trong thời gian tới địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, dẫn tới nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc. Liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ, gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Những luật chơi mới được định hình tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển".

Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị tổng kết 2023 và triển khai hoạt động 2024. Kết quả cho thấy, GDP năm 2023 tăng 5,05%, lạm phát 3,25% - thấp hơn mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, tăng trưởng GDP thời gian qua của nước ta có sự đóng góp rất quan trọng của đầu tư công là chính. Trong khi đó đầu tư tư nhân còn rất thấp, chỉ đạt 2,7%. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua hoạt động kích cầu đầu tư. Ngoài ra, cần có những cơ chế chính để vực dậy lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo quan trọng của Việt Nam. Vì đặc điểm của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI và xuất khẩu đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.

"Trong năm 2023 kinh tế số, chuyển đối số đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Quốc tế đánh giá tốc độ tăng của Việt Nam đạt 19% - cao nhất khu vực. Đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng tăng 16,5%. Trong triển khai cũng đạt nhiều vấn đề tốt, nhưng cần xem xét việc thúc đẩy, dịch chuyển chuyển đổi số trong sản xuất thông minh trong lĩnh vực công nghiệp thực chất là gì? Nếu tăng trưởng của kinh tế số vẫn dựa chính chủ yếu là đóng góp giá trị gia tăng từ xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử và mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam không nhiều, thì chúng ta vẫn là gia công" - ông Hiển cho hay.

Phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới

TS Cấn Văn Lực - đại diện Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nhận địnht: Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tốt hơn, lạc quan hơn, lạm phát được kiểm soát. Để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém.

Quan trọng hơn, phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

"Cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn. Bên cạnh đó, sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy tăng trưởng xanh cần ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, và cam kết “Zero – carbon”... Việt Nam định hướng chiến lược rất tốt nhưng vấn đề những đề án, chương trình, giải pháp cụ thể từng ngành nghề, lĩnh vực rất thiếu. Đặc biệt tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến dự án xanh, liên quan đến lĩnh vực xanh cũng phải thúc đẩy hơn" - ông Lực nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn