MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Ảnh: Cường Ngô

Đơn hàng kín, xuất khẩu khởi sắc

Anh Tuấn LDO | 01/06/2024 06:00

Với 66,62 tỉ USD đạt được trong tháng 5.2024 đã đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sau 5 tháng đầu năm 2024 lên 305,53 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 156,77 tỉ USD; nhập khẩu đạt 148,76 tỉ USD. Kết quả này đã giúp cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 8,01 tỉ USD.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong tháng 5.2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỉ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỉ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2024 có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 65,3%).

Xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Sau thời gian ảm đạm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, gỗ và lâm sản… đã dần khởi sắc khi tăng trưởng với mức hai con số.

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực da giày cũng cho hay, gần đây doanh nghiệp nhận được hàng loạt đơn hàng của các đối tác lớn trên thế giới và đã có đơn hàng đến hết tháng 6. Đây là điều hiếm gặp trong 2 năm vừa qua khi ngành da giày trải qua giai đoạn khó khăn.

Để đáp ứng kịp cho các đơn hàng xuất khẩu, tại các nhà máy của công ty, công nhân đang được huy động tăng ca trong cả 5 ngày/tuần, mỗi ngày tăng thêm 2 - 2,5 tiếng.

Theo ông Trung, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp đã có những thay đổi khi tập trung mở rộng các thị trường nhỏ và tìm kiếm các thị trường mới.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, tính đến 15.2, xuất khẩu giày dép của cả nước đã đạt hơn 2,46 tỉ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng công nhân trở lại để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm.

Theo bà Xuân, hiện tại, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là thị trường Trung Quốc đều có sự tăng trưởng. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với ngành giày dép sau thời gian đối mặt với tình trạng “đói” đơn hàng và nhu cầu suy giảm mạnh.

Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới.

Vì vậy, ông Lâm đề xuất các cơ quan chức năng cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới thời gian tới để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn