MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại

Anh Tuấn LDO | 19/04/2024 15:21

Nếu xét về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết, đến thời điểm này họ đã ký kết đơn hàng đến 6 tháng đầu năm. Dù vậy, các thị trường chưa có sự điều chỉnh nhiều về giá do mặt bằng giá chưa tốt.

"Ngành dệt may đang nhìn về một tương lai tương đối sáng sủa hơn khi nền kinh tế Mỹ việc làm ổn định, lạm phát giảm dần; châu Âu cũng có nhiều tín hiệu tốt dần lên", khẳng định của ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại một diễn đàn quốc tế về dệt may hồi đầu tháng 4.2024.

Theo ông Trường, những tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 1 tăng 30%. Đây là mức tăng khá khả quan so với tình hình thị trường năm 2023.

"Chúng tôi hy vọng tổng thể năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu của ngành khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước", ông Trường cho hay.

Nếu xét về đơn hàng, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng đến 6 tháng đầu năm. Đơn hàng của May Đáp Cầu đã ký đến giữa quý 3.2024. Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (thuộc Tổng công ty May 10) cho biết, bình quân mỗi tháng đơn vị xuất đi 120.000 sản phẩm. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã đạt doanh thu 273.303 USD và đang nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu.

Đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại. Ảnh: Cường Ngô

Trong lĩnh vực thực phẩm, đơn hàng cũng ấm lên trong những tháng đầu năm 2024. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, đơn hàng nhóm thủy hải sản và các mặt hàng thực phẩm đang cải thiện, tăng trên 30%.

Theo bà Chi, từ sau Tết Nguyên đán, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm có đủ để duy trì sản xuất đều đặn. Tuy nhiên, nhà máy cũng chưa bận rộn đến mức tăng ca như các năm trước.

Dù đơn hàng về các doanh nghiệp đã khá lên, tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường cho rằng, mặt bằng giá chưa thực sự tốt, các thị trường chưa có sự điều chỉnh về giá, nên doanh nghiệp ký kết đơn hàng ở khoảng ngắn, để lựa chọn thời điểm chốt đơn hàng với mặt bằng giá tốt hơn.

"Mức giá hiện nay chỉ cải thiện 3-5% so với năm trước, điều này là chưa nhiều", ông Trường khẳng định.

Để tìm cơ hội trong thách thức, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đạt mục tiêu đề ra, ông Trường cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực; đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng.

Thường xuyên cập nhật tình hình thị trường và thông tin về các nguồn nguyên liệu đầu vào như bông, xơ cho các đơn vị với chu kỳ mỗi tháng một lần để các đơn vị có thể định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn