MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc tại Bãi Cháy, TP. Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đón khách Trung Quốc và cơ hội “làm sạch” thị trường du lịch

Nguyễn Hùng LDO | 24/03/2023 11:04

Trước dịch COVID-19, các điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc tại Quảng Ninh luôn là những điểm “nóng” bởi những chiêu trò trốn thuế, gian dối về chất lượng sản phẩm. Tỉnh Quảng Ninh từng huy động các lực lượng mở một “chiến dịch” chấn chỉnh hoạt động của những điểm bán hàng này nhưng sau đâu lại vào đó.

Ám ảnh các điểm bán hàng

Không phải ngẫu nhiên mà việc quản lý các điểm bán hàng phục vụ du khách Trung Quốc được Sở Du lịch Quảng Ninh và Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đặc biệt quan tâm, đưa vào chương trình làm việc sắp tới tại Hạ Long.

Bởi, cơ quan quản lý của hai bên từng nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, khiếu nại của du khách về một loạt các vấn đề, như: Chất lượng hàng không như quảng cáo nhưng giá “cắt cổ”, hoặc bị ép phải vào nhiều điểm bán hàng trong khi không có nhu cầu…

Trước thời điểm chưa có dịch COVID-19, các cửa hàng phục du khách Trung Quốc mọc lên như nấm, chủ yếu ở Móng Cái, Hạ Long và một số ít ở Đông Triều, chủ yếu bán các loại mặt hàng caosu, thủ công mỹ nghệ…, được quảng cáo sản xuất tại Việt Nam.

Theo tính toán, chi phí tối thiểu cho một tour 3 đêm, 4 ngày/khách thời điểm trước dịch COVID-19 dao động từ 2,4-2,7 triệu đồng/người, nhưng có lúc giá tour rao bán chỉ ở mức 300.000 đồng/người. Có thời điểm khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì giá tour lên tới 980 NDT/khách (khoảng 3,3 triệu đồng/khách) nhưng rồi lại xuống thê thảm.

Với khoảng 700.000 khách Trung Quốc nhập cảnh qua Móng Cái/năm, tổng số tiền chi thực ước tính khoảng 1.600 - 1.900 tỉ đồng.

Do đó, du khách có được khuyến mại như thế nào đi nữa thì số tiền trên vẫn được chi tiêu trong thực tế.

Hệ thống các cửa hàng này được coi là cỗ máy kiếm tiền chính của những người điều hành các tour dành cho khách đường bộ Trung Quốc qua Cửa khẩu Móng Cái, để bù lỗ cho việc bán giá tour dưới giá thành hoặc quá rẻ, tới mức mà dư luận gọi là tour “0 đồng” và kiếm lời.

Báo Lao Động từng có loạt bài phản ánh, điều tra về các cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc tại Hạ Long. Có những ngày, mỗi cửa hàng đón cả chục đoàn khách, có đoàn bỏ ra hàng trăm triệu để mua hàng, nhưng chủ cửa hàng báo cáo doanh thu chỉ đạt vài triệu đồng/tháng. Dòng tiền khổng lồ thu được từ các điểm bán hàng đó được chuyển về cho các đối tác bên Trung Quốc bằng nhiều cách, trong đó có sử dụng các máy Pos mà sau đó các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ được.

Điều đáng nói là, dù bỏ ra số tiền lớn nhưng du khách không nhận được sản phẩm như quảng cáo. Chiêu thức lừa gạt chính là: Cho du khách xem hàng tại cửa hàng ở Quảng Ninh, rồi chuyển hàng về tận nhà cho du khách, nhưng thực chất là hàng sản xuất tại Trung Quốc, chứ không phải hàng sản xuất tại Việt Nam và chất lượng kém.

Phải mạnh tay ngay từ đầu!

Năm 2017, TP. Hạ Long có nhiều đợt đóng cửa một loạt các cửa hàng phục vụ du khách Trung Quốc nhằm chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, tháng 3.2017, tỉnh Quảng Ninh mở một “chiến dịch” dẹp loạn tour “0 đồng” trên toàn tỉnh. Những sai phạm điển hình tại các cửa hàng này là trốn thuế, quảng cáo không đúng với thực tế, thanh toán ngoại tệ, sử dụng lao động Trung Quốc trái phép…

Tuy nhiên, sau đó mọi việc lại bát nháo như cũ cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tại thời điểm trước 2020, các điểm bán hàng này đều tự khai, tự nộp thuế. Điều đó có nghĩa rằng, các chủ cửa hàng khai bao nhiêu thì biết bấy nhiêu.

Có một câu chuyện khá lạ về doanh thu và nộp thuế của các cửa hàng này, mà Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh. Trong đó, năm 2017, 14 điểm bán hàng tại TP. Hạ Long nộp tổng cộng 936 triệu đồng tiền thuế và khai mức doanh thu bình quân/năm là 13,367 tỉ đồng/tháng. Tuy nhiên, sau đợt khảo sát của tổ liên ngành, 14 điểm bán hàng tại Hạ Long đồng ý ký vào biên bản với mức doanh thu tối thiểu là 35,3 tỉ đồng/tháng.

Năm 2017, 32 điểm bán hàng tại Hạ Long và Móng Cái nộp tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng tiền thuế, nhưng sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì số tiền nộp thuế năm 2018 tăng lên khoảng 11 tỉ đồng.

Để chuẩn bị đón khách du lịch Trung Quốc trở lại, phía Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đề nghị các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tổ chức khảo sát, đánh giá và lựa chọn các nhà hàng, điểm mua sắm, điểm dịch vụ có uy tín, chất lượng trao đổi với các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc. Doanh nghiệp lữ hành hai bên thống nhất đưa các điểm mua sắm, nhà hàng, điểm dịch vụ đã được thống nhất để phục vụ khách.

Theo bà Lương Thị Bích - Giám đốc Công ty du lịch Hòn Gai - Thái Lan cũng đón một lượng khách Trung Quốc rất lớn nhưng không có “đất” cho điểm bán hàng phục vụ du khách Trung Quốc tung hoành như ở Quảng Ninh thời gian qua.

“Có thể nghiên cứu xây dựng hoặc bố trí một khu vực đủ rộng lớn để chuyên phục vụ bán hàng cho du khách, nhất là khách Trung Quốc. Tại đây, các cá nhân, đơn vị có thể thuê lại mặt bằng để mở cửa hàng và cũng tiện cho các cơ quan chức năng quản lý, giám sát” - bà Bích đề xuất.

Đại diện một số công ty lữ hành tại Quảng Ninh cho rằng, phải có biện pháp kiểm soát các điểm bán hàng ngay từ thời điểm bắt đầu đón khách du lịch Trung Quốc trở lại.

Bởi, hiện, tất cả đều bắt đầu trở lại từ con số “0” sau đại dịch COVID-19 chính là cơ hội để làm “sạch” thị trường.

Kiểm soát được các điểm bán hàng thì sẽ vừa góp phần đưa giá tour về giá thực, vừa thu được thuế, vừa đảm bảo được quyền lợi chính đáng của du khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn