MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xuất khẩu thép chính thức vượt mốc trên 10 tỉ USD năm 2021. Ảnh: TL

Đón năm hổ, xuất khẩu thép nhập câu lạc bộ “hổ” trên 10 tỉ USD

Vũ Long LDO | 01/02/2022 18:52
Năm 2021, xuất khẩu thép đạt khoảng 14 triệu tấn với trị giá hơn 12,7 tỉ USD, ngành thép chính thức gia nhập câu lạc bộ "hổ" xuất khẩu trên 10 tỉ USD.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong khi các nhóm hàng xuất khẩu khác gặp khó khăn do COVID-19,có tốc độ hồi phục rất chậm, thì sắt thép là ngành sản xuất có tốc độ phục hồi mạnh nhất. Trong năm 2021, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đến các thị trường chủ yếu là: ASEAN đạt 3,49 triệu tấn; Trung Quốc đạt 2,6 triệu tấn; EU đạt 1,71 triệu tấn, tăng gấp 7 lần; Hoa Kỳ đạt 916 nghìn tấn, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Còn theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2021, xuất khẩu thép đạt khoảng 14 triệu tấn với trị giá hơn 12,7 tỉ USD, tăng 43% về lượng và tăng gần 2,5 lần về trị giá so với năm 2020. Sản phẩm thép của Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cho biết, năm 2021, cơ cấu thị trường xuất khẩu các sản phẩm thép Việt Nam ghi nhận sự chuyển dịch mạnh mẽ, giảm xuất khẩu sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc và tăng xuất  khẩu sang thị trường Mỹ, EU.  5 thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam năm 2021 gồm: ASEAN chiếm 28,6% tổng kim ngạch, giảm 14% so với năm 2020; Trung Quốc chiếm 21,3%, giảm hơn 15%; EU chiếm 12,5%, tăng gần 10%; Mỹ chiếm 7,5%, tăng gần 6%; Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 5%, tăng 2,2%.

Đầu tư công tăng, giá thép tăng tạo cơ hội để ngành thép giữ vị trí "tốp" xuất khẩu trên 10 tỉ USD

Về triển vọng năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng ngành thép vẫn tiếp tục hưởng lợi khi các nước đẩy mạnh tăng tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư công và giá thép thế giới tăng cao.

Theo VSA, năm 2022, trong quý I/2022 nhu cầu thép tiếp tục ở mức cao do các nền kinh tế lớn thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là Mỹ. Dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỉ USD ở Mỹ sẽ làm tăng nhu cầu thép khoảng 5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, Trung Quốc giảm sản xuất thép và hạn chế xuất khẩu để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải cũng tạo cơ hội nhiều hơn cho xuất khẩu thép của Việt Nam.

Về mặt bằng giá, nhu cầu cao khiến gia thép cũng tăng cao trong năm 2022. Cụ thể, từ giữa tháng 1.2022 các thương hiệu thép lớn trong nước đồng loạt điều chỉnh giá thép xây dựng với mức 16.540 - 17.050 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và từ 16.410 - 17.000 đồng/kg đối với thép thanh D10 CB300. Hiện tại, giá thép cuộn CB240 của Hòa Phát trên cả nước đang ở bán ra ở mức 16.720 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 bán ra ở mức 16.610 đồng/kg. Tại miền Trung, giá thép của Hòa Phát cũng tăng mạnh: Thép cuộn CB240 ở mức 16.770 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 bán với giá 16.720 đồng/kg.

Thương hiệu thép Việt Đức tại miền Bắc cũng điều chỉnh tăng giá sản phẩm thép cuộn CB240 thêm 310 đồng/kg, lên mức 16.750 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 360 đồng, hiện có giá 16.850 đồng/kg. Tại khu vực miền trung, Việt Đức cũng tăng thêm 100 đồng/kg với thép cuộn CB240, lên mức 16.800 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên mức 16.900 đồng/kg.

Thép Việt Nhật cũng tăng giá mạnh: Thép cuộn CB240 tăng 310 đồng, bán ra ở mức 16.700 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 tăng giá thêm 410 đồng, bán ra ở mức 16.600 đồng/kg.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn