MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng tầm để tự tin bắt tay sòng phẳng với các nhà đầu tư ngoại. Ảnh minh họa: Vũ Long

Đón sóng đầu tư nước ngoài từ 3 dòng vốn dịch chuyển

Vũ Long LDO | 05/09/2020 11:18

Để bắt cơ hội từ dòng vốn dịch chuyển, doanh nghiệp Việt cần nâng tầm để bắt tay sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài.

Đánh giá và tận dụng 3 dòng vốn dịch chuyển

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, về làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới, hiện nay dòng vốn dịch chuyển so với tổng vốn đầu tư nước ngoài cao hơn trước đây rất nhiều.

Hiện có 3 dòng vốn dịch chuyển: Đơn hàng, luồng vốn đầu tư ra nước ngoài, dịch chuyển trực tiếp.

Về dịch chuyển đơn hàng, hiện nay, Việt Nam cũng có các doanh nghiệp sẵn sàng dịch chuyển các đơn hàng, nhưng không có nhiều.

“Đơn hàng rất nhanh, nghĩa là chúng ta đáp ứng 80-90%, chỉ cần cố gắng thêm về mặt năng lực kỹ thuật, quản lý thì chúng ta có thể tiếp cận được các đơn hàng dịch chuyển” – ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Cùng với đó, luồng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư ngoại và dòng vốn dịch chuyển trực tiếp (tức là chuyển một bộ phận hoặc toàn bộ một nhà máy từ nước A sang nước B) cũng rất quan trọng. Nhìn nhận được 3 luồng vốn này, Việt Nam cần chia từng phân khúc để có thể tiếp thu được từng luồng một cách hiệu quả.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu trong liên kết để cùng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), dù nước ta đang trong giai đoạn hội nhập rất rộng và khá sâu.

Chúng ta có rất nhiều FTAs nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được. "Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải nâng cao được tâm thế và tư thế của mình, phải quyết tâm, phải có tầm nhìn.

Muốn nâng được tư thế của mình lên để bắt tay sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài thì chúng ta phải nâng trình độ doanh nghiệp và phải liên kết các doanh nghiệp trong nước” – ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định.

Nhân lực Việt Nam làm việc rất linh hoạt

Với 10 năm kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn cũng đánh giá: Nguồn nhân lực Việt Nam yếu là tính kỷ luật, nhưng ngược lại, nhân lực Việt Nam làm việc rất linh hoạt.

“Samsung có đánh giá, sau khi được đào tạo cơ bản, những công nhân kĩ thuật Việt Nam sau một thời gian 3 tháng, 6 tháng đã bắt kịp tương đối sát với các công nhân từ Hàn Quốc, trong khi đó, lương của công nhân Hàn Quốc cao gấp từ 2-3 lần” – ông Toàn cho biết.

Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực cốt lõi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vũ Long

Với điểm mạnh này từ nguồn nhân lực có khả năng làm việc linh hoạt, giá rẻ, đây chính là lợi thế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong tương lai, lợi thế này sẽ dần mất đi. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ về chính sách, thủ tục hành chính… để các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn, yên tâm đầu tư, bắt tay với doanh nghiệp Việt Nam theo nguyên tắc “win-win” (đôi bên cùng có lợi-PV).

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng được một nguồn nhân lực cốt lõi bởi doanh nghiệp có thành công hay không thì nhân lực cốt lõi là quan trong nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn