MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An sẵn sàng đón nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh: Hải Đăng

Đón sóng đầu tư từ Trung Quốc - thời cơ và dư địa

Linh Anh LDO | 08/12/2023 07:31

Việc nguồn vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam cho thấy, có nhiều cơ hội và dư địa để phát triển quan hệ đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Từ điểm sáng Nghệ An

Năm 2023 là một năm đại thành công của Nghệ An trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài với con số ước tính lên tới trên 1,4 tỉ USD - kỷ lục của Nghệ An, trong đó phải kể đến sự có mặt của những doanh nghiệp đến từ Trung Quốc với dòng vốn lên tới hàng trăm triệu USD.

Gần nhất, ngay đầu tháng 12 này, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Công nghệ Qtech (công ty thành viên của Tập đoàn Qtech - Trung Quốc, sản xuất module camera top 3 trên thế giới). Nếu mọi việc thuận lợi, doanh nghiệp sẽ đầu tư một nhà máy với tổng vốn lên tới 430 triệu USD.

Trên thực tế, nhiều dự dán “khủng” từ các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang triển khai tại Nghệ An. Tháng 8.2023, Ban quản lý Khu kinh tế đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy đến từ Trung Quốc. Dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư là 293 triệu USD (khoảng 6,930 tỉ đồng), Đến ngày 30.8.2023, dự án tiếp tục điều chỉnh nâng tổng vốn đăng ký đầu tư lên 440 triệu USD. Dự kiến tháng 6.2025 toàn bộ dự án được đưa vào hoạt động.

Cùng thời gian đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Chung cũng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD tại Khu công nghiệp Vsip - Nghệ An.

Trong chuyến công tác tới Trung Quốc vào tháng 9.2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thành An cho biết, cùng các dự án sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh của những doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc như Tập đoàn Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Shandong sẽ hoàn thiện chuỗi cung ứng cho các dự án sản xuất điện tử, năng lượng xanh tại tỉnh Nghệ An và trong khu vực.

Người lao động tại Luxshare-ICT - một nhà đầu tư lớn của Trung Quốc tại Nghệ An. Ảnh: Võ Mai

Cơ hội và dư địa

Nghệ An chỉ là một điển hình trong việc “dọn tổ”, đón sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có nhiều xúc tiến với các khu công nghiệp phía Bắc để tìm địa điểm thuê lắp đặt nhà máy sản xuất thiết bị điện, năng lượng…

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong các quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 3,96 tỉ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, tổng vốn đăng ký trên 27 tỉ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Tuy vậy có thể thấy rằng, mức đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam chưa xứng tầm với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc (khoảng 170 tỉ USD/năm). Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Điều này cho thấy, dư địa về đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam còn rất nhiều. Đặc biệt là những dự án lớn, dự án trọng điểm.

Điển hình là trong tháng 10.2023, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường, tại Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với ông Bạch Ngọc Chiến - Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC), kiêm đại diện Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC).

Phía Trung Quốc bày tỏ muốn được tham gia nhiều dự án lớn tại Việt Nam, trong đó có dự án phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn lên tới 70 tỉ USD. Ngoài ra còn có một số dự án khác mà phía Trung Quốc muốn tham gia là thi công các dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương mở rộng, TPHCM - Mộc Bài, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các dự án phát triển điện gió…

Bài học từ Nghệ An cho thấy, để thu hút các doanh nghiệp từ Trung Quốc đầu tư mạnh hơn cần phải tập trung 5 sẵn sàng. Thứ nhất là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; Thứ hai là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; Thứ ba là sẵn sàng về nguồn nhân lực; Thứ tư là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; Thứ năm là sẵn sàng hỗ trợ.

Đặc biệt, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính của dự án FDI trọng điểm cũng được giảm 2/3 so với thời gian theo quy định của pháp luật. Tỉnh cũng xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư; thúc đẩy, hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp; tích cực, chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ triển khai các thủ tục của các dự án FDI.

Điển hình là dự án nhà máy hợp kim nhôm tổng vốn 165 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP Nghệ An của Innovation Precision Việt Nam là công ty thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology Trung Quốc có thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất, chỉ trong 2 tháng kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu vào tỉnh khảo sát, tính từ thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề xuất đầu tư đến khi nhận giấy chứng nhận chỉ mất 1 tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn