MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một làn sóng đầu tư mới hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Đón sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam: Trải thảm đỏ nhưng không phát triển bằng mọi giá

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 30/01/2021 09:00

Một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài là tin vui hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển. Nhưng bên cạnh câu chuyện đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, những bài học trong quá khứ vẫn nhắc nhở chúng ta về một kim chỉ nam: Không tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Thẩm định kỹ các dự án

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều địa phương đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo các chuyên gia, các lỗi vi phạm của doanh nghiệp thường tập trung vào một số hành vi cụ thể như không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định; thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp để xảy ra các vi phạm về quản lý chất thải như: Thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ theo quy định; kê khai không đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại; tự xử lý chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận… Trong đó, những câu chuyện từng gây ồn ào một thời như của Formosa hay Vedan vẫn là bài học đáng quý cho câu chuyện tăng trưởng ở từng địa phương.

Bên cạnh vấn đề môi trường, khi xây dựng các khu công nghiệp, các dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng địa phương trở thành mảnh đất cho hoạt động sản xuất kém hiệu quả.

Những hành vi như chuyển giá, dồn thải công nghệ lạc hậu hay kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp trong nước cũng phải được ngăn chặn ngay từ trước lúc phê duyệt, tránh để xảy ra hiện tượng “mất bò mới lo làm chuồng” hoặc chỉ có thể biết xử phạt khi việc đã rồi.

Trao đổi với phóng viên về hoạt động thu hút dự án tại Bắc Giang, địa phương vừa được Foxconn đầu tư 270 triệu USD để mở nhà máy sản xuất, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - khẳng định, tỉnh này sẽ không phê duyệt các dự án gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, đặc biệt là hạn chế các dự án gây thâm dụng lao động. "Nếu dự án mà sử dụng nhiều lao động chứng tỏ công nghệ của chủ đầu tư vẫn còn thấp và điều đó sẽ tạo gánh nặng cho địa phương về hạ tầng xã hội" - ông Dương nói.

Bà Bùi Thị Thu Thủy - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang - cũng cho biết, tỉnh này sẽ ưu tiên các dự án "đóng góp ngân sách cao, hàm lượng cộng nghệ cao, tiết kiệm đất và hạn chế ô nhiễm môi trường".

Theo tìm hiểu phóng viên, tại Bắc Giang, ngoài dự án 270 triệu USD của Foxconn, còn có 3 dự án khác vừa nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là Dự án Công nghệ tế bào quang điện Ja Solar PV Việt Nam của nhà đầu tư Ja Solar Investment (Hồng Kông, Trung Quốc) Limited; Dự án Nhà máy Risesun New Material Việt Nam và Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam của nhà đầu tư Risesun Investment Pte.Ltd (Singapore). Tổng vốn đầu tư của 3 dự án này là gần 300 triệu USD.

Còn tại Hà Nam, từ một địa phương, có rất ít doanh nghiệp lớn đã vươn lên trở thành tỉnh có kết quả thu hút doanh nghiệp FDI luôn đứng trong top 10-15 của cả nước. Quan điểm của Hà Nam là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, các dự án được lựa chọn phải có đầy đủ năng lực tài chính cũng như công nghệ tiên tiến, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mới, đặc biệt là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo.

"Các dự án đều phải có ý kiến thẩm định của các bộ, ngành có liên quan. Từ tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ đến xây dựng… đều phải có các ngành tập trung vào. Đặc biệt, phải đảm bảo môi trường thì mới được làm" - ông Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam - cho biết.

Phải hướng tới phát triển bền vững

Nhiều ý kiến lo ngại một làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài có thể dẫn đến hiện tượng chạy đua ở các địa phương khi "người người, nhà nhà" làm khu công nghiệp. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy mất kiểm soát trong quy hoạch, gây áp lực lên hoạt động an sinh xã hội, môi trường.

Ngày 26.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình nói rằng, về vấn đề lập các khu công nghiệp, các địa phương cần phải tuân thủ chặt chẽ quy định hiện hành. "Dự án của doanh nghiệp đều phải có báo cáo đánh giá tác động và chứng nhận hoàn thiện các công trình xử lý về môi trường. Khi hoàn thiện các thủ tục về cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp mới được vận hành" - ông Đào Nhật Đình cho biết.

Ở khía cạnh quy hoạch, trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, rất cần thiết có một giải pháp để các địa phương có thể hợp tác, tránh việc đầu tư dàn trải, cạnh tranh không lành mạnh khi xây dựng các khu công nghiệp trong bối cảnh một làn sóng đầu tư mới. "Khi phát triển công nghiệp, tác động môi trường là rất nhiều. Khi địa phương muốn phát triển bền vững, luôn luôn phải có sự cân đối giữa thu vào và chi ra. Thu vào thì khi mở cửa cho doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn thu. Nhưng việc chi ra để xử lý hệ quả khi phải làm hạ tầng, xử lý môi trường, xây dựng những công trình xử lý chất thải là vấn đề phải cân nhắc. Nó hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp thấy thu là vậy nhưng chi ra còn nhiều hơn" - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cảnh báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn