MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ĐBSCL đặt mục tiêu tăng trưởng 7,17% trong năm 2022. Ảnh minh họa: Quốc Trung

Đồng bằng sông Cửu Long đặt mục tiêu tăng trưởng trên 7% vào năm 2022

Vũ Long LDO | 15/09/2021 18:26

Dự báo khu vực Đông Nam Bộ tăng trưởng kinh tế âm trong năm nay, nhưng ĐBSCL vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7,17% dù phụ thuộc thị trường này.

Dự báo tăng trưởng dưới 0% vì sản xuất "đóng băng"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công khu vực Đông Nam Bộ năm 2022. Trong đó, dự báo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2021 không đạt như kế hoạch ban đầu, khu vực gồm TPHCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước được dự báo tăng trưởng -0,13%, mặc dù thống kê 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, tốc độ tăng trưởng toàn vùng ước tăng khoảng 4,5%.

Bước sang tháng 8.2021, tốc độ tăng trưởng chung của vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng giảm do các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, vì các địa phương thực hiên giãn cách xã hội, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Theo Bộ KHĐT, trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành trồng trọt chi phí sản xuất tăng, thiếu nhân công thu hoạch, thiếu cơ sở sơ chế tiêu thụ; nông sản bị ùn ứ cục bộ buộc người bán phải bán chạy với giá thấp, dẫn đến người sản xuất bị giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ, nông dân gặp khó khăn trong tổ chức tái sản xuất nông nghiệp. Sản lượng thu mua nguyên liệu thủy sản giảm do các doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Bên cạnh đó, việc cung ứng vật tư đầu vào (cung ứng giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản...) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển, test COVID-19, tình hình lưu thông, vận chuyển khó khăn.

Trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện sản xuất.

Về lĩnh vực thương mại-dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch, nhất là ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng bị đóng cửa nhiều tháng liền; hoạt động vận tải cũng bị ảnh hưởng, các hoạt động vận tải hành khách tạm dừng hoạt động chỉ tập trung ưu tiên phục vụ việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm cho các địa phương….

Điều này khiến nhiều địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp - xây dựng như Bà Rịa - Vũng Tàu (70,21%), Bình Dương (67,5%), Đồng Nai (60,22%) tiếp tục khó khăn do thiếu nhiên liệu để sản xuất, thiếu chuyên gia kỹ thuật bậc cao, thiếu đơn hàng xuất khẩu, nhân công lao động và ngưng trệ sản xuất...

Các địa phương có cơ cấu kinh tế lớn phụ thuộc vào nhóm ngành dịch vụ như TP.HCM (62,4%) gặp khó khăn do phải trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị "đóng băng".

Mục tiêu tăng trưởng 7,17% trong năm 2022

Mặc dù sản xuất, kinh doanh tại 2 vùng kinh tế lớn là Đông Nam Bộ và ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, nhưng khu vực ĐBSCL vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7,17% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người đạt 65,26 triệu đồng/người.

Về cơ cấu kinh tế, nông lâm nghiệp, thủy sản ĐBSCL đặt mục tiêu đạt 30,29%, Công nghiệp-xây dựng: 28,13%, Dịch vụ: 37,61%, thuế và trợ cấp sản phẩm: 3,97%. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 21,512 tỉ USD. Thu ngân sách khoảng 97.801 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 427.659,53 tỉ đồng…

Về kế hoạch đầu tư công, đến nay, 13/13 địa phương trong vùng ĐBSCL đều đã có báo cáo chính thức gửi Bộ KHĐT và đã nhập trên hệ thống đầu tư công. Về cơ bản các địa phương đã triển khai xây dựng nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp với khả năng cân đối chung, kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua.

Theo đó, tổng nhu cầu vốn Ngân sách Nhà nước năm 2022 của vùng là 65.713,331 tỉ đồng (tăng 18,62% so với kế hoạch năm 2021). Trong đó, tổng nhu cầu vốn Ngân sách địa phương năm 2022 là 39.241,941 tỉ đồng (tăng 17,66% so với kế hoạch năm 2021). Tổng nhu cầu vốn Ngân sách Trung tương trong nước là 26.471,390 tỉ đồng (tăng 57,21% so với kế hoạch năm 2021)…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn