MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cánh đồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nứt nẻ, khô cằn có nguy cơ mất trắng vì hạn mặn. Ảnh: TR.L

Đồng bằng sông Cửu Long: Nông dân trước nguy cơ mất trắng vì hạn mặn

TRẦN LƯU LDO | 05/02/2020 07:49

Ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải “khóc ròng” trước mối đe dọa từ hạn mặn. Hàng nghìn nông hộ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sử dụng. Cùng với đó, hàng nghìn hécta lúa cũng đứng trước nguy cơ mất trắng…

Nông dân bất chấp khuyến cáo

Tại Trà Vinh, chỉ tính riêng 2 huyện Cầu Ngang và Trà Cú, thời điểm này đã có trên 5.000 hộ dân bị thiệt hại hơn 3.500ha lúa đông xuân do hạn mặn. Trong đó, khoảng 913ha bị thiệt hại trên 70% và hơn 1.200ha bị thiệt hại từ 30-70% diện tích, nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Ông Trần Quốc Tuấn - Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang - cho biết, trước cảnh báo của ngành Nông nghiệp tỉnh về tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm nay, địa phương đã chủ động tạm ngưng sản xuất gần 1.400ha trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác, chỉ xuống giống 5.339ha. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, đã có hơn 1.740ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn; trong đó, 1.110ha bị thiệt hại trên 30% diện tích.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho hay, các ruộng bị thiệt hại trên 30% diện tích do ảnh hưởng hạn, mặn đang đứng trước nguy cơ mất trắng, không thể cứu vãn.

Vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch xuống giống 66.000ha. Nhưng trước nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam về tình hình hạn, mặn mùa khô này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã khuyến cáo nông dân trong tỉnh ngưng triệt để xuống giống lúa vụ đông xuân kể từ ngày 12.12.2019. Nhưng nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo, đến nay đã xuống giống hơn 58.220ha. Ngành Nông nghiệp tỉnh dự báo, vụ lúa đông xuân này, toàn tỉnh sẽ có hơn 34.000ha bị ảnh hưởng khô hạn, thiếu nước.

Tại nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, nông dân cũng đang “khóc ròng” vì hạn mặn. Anh Thạch Tiến (41 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) nói rằng: “Hơn 5.000m2 lúa vụ 3 của tôi đã xuống giống được hơn 30 ngày. Từ lúc gieo đến nay, vẫn chưa có đợt nước ngọt nào để bơm cho lúa. Giờ nền ruộng khô nứt nẻ, đất đai trắng xóa, cây lúa cũng đã chết dần vì thiếu nước ngọt. Nếu tình hình này không được cải thiện, toàn bộ lúa sẽ mất trắng”.

Ghi nhận thực tế tại các cánh đồng sản xuất lúa vụ 3 tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho thấy, nhiều kênh rạch khô cạn vì hầu hết cống ngăn mặn đều đã đóng kín. Trên đồng, hàng nghìn hécta lúa ở giai đoạn từ 15-30 ngày tuổi bắt đầu chết cây, khô cháy vì không có nước, mặt ruộng khô cằn, nứt nẻ. Bao trùm các xóm ấp là không khí lo lắng, sốt ruột thay cho không khí vui tươi, sum vầy của Tết vì chưa có dấu hiệu hạ nhiệt của hạn mặn.

Dự báo ranh mặn sẽ xâm nhập sâu vào đất liền

Ông Lâm Văn Vũ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - cho biết, dù đã đạt được khuyến cáo không xuống giống, nhưng trên địa bàn huyện Long Phú ghi nhận có 3.500ha sản xuất lúa vụ 3, hiện trà lúa đang ở giai đoạn từ 15 - 30 ngày tuổi. Thống kê sơ bộ ghi nhận 180ha lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến giáp Tết, mức độ mặn vẫn chưa có chiều hướng giảm. Thời điểm qua Tết được dự báo là đỉnh điểm của hạn mặn. Trong khi đó, nếu từ 10-15 ngày nữa không có nước ngọt, toàn bộ diện tích lúa vụ 3 sẽ mất trắng.

Theo dự báo, từ tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3.2020, ranh mặn 4g/l sẽ xâm nhập sâu vào đất liền 55-110km, cao hơn từ 3-7km so với năm hạn mặn lịch sử năm 2015 - 2016. Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh của ĐBSCL. Toàn vùng hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Mùa khô 2020, con số này dự báo tăng lên 158.000 hộ. Số hộ này tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn