MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu khởi sắc. Ảnh: Gia Miêu

Dòng chảy tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh

Gia Miêu LDO | 16/09/2023 10:23

Tăng trưởng tín dụng đang được nhận định sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các thị trường.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tín dụng tăng trưởng chậm, xuất phát từ cả hai phía. Trong bối cảnh vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều khó khăn, môi trường kinh doanh có những yếu tố bất lợi, thì từ phía người cho vay là ngân hàng có sự thận trọng trong việc giải ngân nhằm ngăn ngừa rủi ro nợ xấu. Tương tự, phía người đi vay phục vụ mục tiêu sản xuất - kinh doanh hoặc tiêu dùng cũng hạn chế sử dụng vốn vay, vì triển vọng thu nhập trong tương lai chưa rõ ràng.

Những tháng còn lại của năm 2023 đang được các chuyên gia kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ và các thị trường. Đặc biệt là “điểm rơi” chính sách xuất hiện và phát huy tác dụng đã và đang phản ánh trên thực tế bằng chỉ số tăng trưởng tín dụng tháng 8.2023 trên địa bàn TPHCM, với mức tăng trưởng đạt gần 1% so với tháng 7.2023.

Theo số liệu báo cáo vừa được công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, dư nợ 8 tháng của năm 2023 tăng 3,26% so cuối năm và tăng 5,62% so cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 8.2023, tăng gần 1% (0,92%) so với tháng 7.2023. Theo đó, tín dụng VND chiếm 94,7% và tín dụng ngoại tệ chiếm 5,3% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn; tín dụng ngắn hạn tăng 4,92% so với cuối năm 2022, trong khi đó tín dụng trung, dài hạn tăng 1,88%; tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch với tỉ lệ chiếm khoảng 67% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Trong đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục được tổ chức thực hiện gắn liền với chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất không quá 4%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn và chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.

Trong khi đó, một lĩnh vực đang được quan tâm hiện nay đó là lĩnh vực bất động sản thì câu chuyện tiếp cận vốn tín dụng vẫn gặp khá nhiều khó khăn dù rằng, ngân hàng không hề “đóng cửa” tín dụng với lĩnh vực này. Qua trao đổi với một số lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở TPHCM cho biết, mặc dù lãi suất giảm, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn rất khó khăn, bởi tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng không giảm. Doanh nghiệp rất cần vốn nhưng không có tài sản thế chấp đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng bởi các dự án còn vướng pháp lý, hoặc chưa được phê duyệt quy hoạch. Dù đã giảm so với đầu năm, nhưng lãi suất cho vay hiện vẫn cao, phổ biến từ 12-13%/năm, thậm chí có ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi vay 14-15%/năm. Dù có nhu cầu và đủ điều kiện nhưng cũng không dám vay vì lãi suất còn cao, vượt quá khả năng của doanh nghiệp thời điểm này, nếu cố vay thì gánh nặng tài chính sẽ rất lớn.

Khảo sát mới đây với hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, chỉ 21% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đến nay thực sự có tác động tích cực và rất tích cực tới tâm lý nhà đầu tư. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đã nhận thấy cơ hội từ thị trường, sẵn sàng tham gia giao dịch thì lại bị chôn vốn, phải tập trung xử lý áp lực tài chính từ các khoản vay đầu tư trước đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn