MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủy điện Sơn La mở 1 cửa đáy xả lũ từ chiều 1.10.2020. Ảnh: Bùi Xuân Tiến

Đồng loạt xả lũ 3 thủy điện lớn, đề phòng ngập lụt ở vùng hạ du

Vũ Long LDO | 02/10/2020 16:08

3 nhà máy thủy điện lớn là Sơn La, Thác Bà, Hòa Bình đang cùng lúc mở cửa xả lũ có gây ngập lụt hạ du?

Xem xét an toàn hồ chứa để quyết định mở thêm cửa xả

Từ 4 giờ chiều qua (1.10), thêm 2 nhà máy thủy điện đã mở thêm 1 cửa đáy để xả lũ là Thủy điện Sơn La và Thủy điện Thác. Thủy điện Hòa Bình cũng đang xem xét mở cửa đáy thứ 2 để giảm áp lực nước về hồ.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), từ hôm qua (hồi 15 giờ ngày 1.10.2020), mực nước hồ Sơn La ở cao trình 216,27m (trên mực nước dâng bình thường 1,27m), lưu lượng đến hồ 4.112m3/s, tổng lưu lượng xả 2.601m3/s (lưu lượng chạy máy phát điện);

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - cho biết: Thời gian vận hành theo mùa lũ được thực hiện theo Quyết định 740/QĐ-TTg ngày 17.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ được quy định từ 15.6 đến ngày 15.9 hàng năm. Đây là mùa lũ và các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Thác Bà và Tuyên Quang cần phải hạ thấp mực nước để dành dung tích phòng lũ cho hạ du.

Để đảm bảo cấp nước cho các mục đích khác nhau, cuối thời kỳ mùa lũ (từ 22.8-30.9 hàng năm), các hồ chứa được phép tích dần lên mực nước dâng bình thường.

Theo quy định, hồ Sơn La là 215m, hồ Hoà Bình 117m, hồ Thác Bà 58m và hồ Tuyên Quang là 120m. Hiện nay, trong 4 hồ trên thì ngoại trừ hồ Tuyên Quang đang ở mức 117.8m, các hồ còn lại đã tích đầy nước.

Để đảm bảo an toàn hồ đập và dành dung tích phòng lũ cho hạ du, 3 hồ lớn là Hòa Bình, Sơn La và Thác Bà đã thực hiện xả lũ từ ngày 1.1.2020 theo quy định vận hành liên hồ chứa.

Thủy điện Hòa Bình cũng đang giám sát mực nước và hiện trạng hồ chứa, sẵn sàng mở thêm cửa đáy thứ 2 để xả lũ nếu cần.

3 thủy điện cùng xả lũ có gây áp lực cho hạ du?

Theo ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, công tác phòng chống thiên tai được công ty chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Công ty đã mời Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các tỉnh Sơn La, Lai Châu phối hợp cùng kiểm tra hệ thống công trình, bao gồm cả hệ thống quan trắc an toàn đập, lòng hồ thủy điện Sơn La.

Hiện tại, Thủy điện Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy, tổng lưu lượng nước xả qua đập thủy điện Sơn La là 4.440 m3/s, trong khi lưu lượng dự báo về hồ là 4.115 m3/s. Với 1 cửa xả đáy, lưu lượng xả không lớn, thời gian xả, số lượng cửa xả đều được thông báo nên không gây bất ngờ, nguy hiểm cho vùng hạ du.

Thủy điện Thác Bà đang mở 1 cửa đáy xả lũ. Ảnh: Bùi Xuân Tiến

Theo ông Nguyễn Mạnh Khương - Ủy viên thường trực – Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thái Bình, để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố, thị trấn ven đê khẩn trương phát quang mái đê, chân đê đề phòng trường hợp mực nước sông dân cao, phục vụ công tác tuần tra, canh gác đê; kịp thời phát hiện các sự cố đê điều có thể xảy ra.

Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện, sẵn sàng huy động lực lượng để tuần tra, canh gác, đặc biệt là tại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.

“Hiện tại, địa phương đã thực hiện thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy, các hoạt động khai thác cát trên sông, các bến đò ngang và các hủ hộ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông biết việc xả lũ các hồ chứa để chủ động biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản” – ông Nguyễn Mạnh Khương thông tin.

Các địa phương khác như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nam, Hòa Bình, Hà Nội... cũng đã sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi 3 nhà máy thủy điện thực hiện xả lũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn