MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự phục hồi của thị trường bất động sản là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh: Anh Kiệt

Động lực để kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong năm 2024

Đức Mạnh LDO | 24/11/2023 06:23

Chính sách tài khóa mở rộng, lãi suất cho vay thấp hơn, sản xuất phục hồi... là những động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

4 yếu tố chi phối đà tăng trưởng

Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 được đánh giá là thách thức, thể hiện quyết tâm trong việc tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Chính phủ. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam tương đương mục tiêu Quốc hội thông qua ở mức 6% như Ngân hàng United Oversea, Ngân hàng ADB và Ngân hàng UOB. Thậm chí Standard Chartered đưa ra dự báo cao nhất ở mức 6,7%.

Trao đổi với Lao Động, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT - kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ trên đà phục hồi trong năm tới với các động lực chính bao gồm:

Thứ nhất, hoạt động sản xuất và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ hơn nhờ đơn đặt hàng bên ngoài tăng trong bối cảnh lạm phát và tồn kho giảm ở các thị trường phát triển. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 7,5 - 8,0% so với cùng kỳ trong năm tới. Hoạt động sản xuất phục hồi cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam cải thiện trong nửa cuối năm 2023 và năm tới sẽ góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi.

Thứ hai, sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 sẽ có tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, 11.000 tỉ đồng sẽ được sử dụng để tăng lương hưu và 18.000 tỉ đồng sẽ được sử dụng để tăng trợ cấp cho những người có công với cách mạng. Cuối cùng, Chính phủ sẽ giữ lại một số gói kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế.

Thứ ba, sự phục hồi của thị trường bất động sản. Những vướng mắc về pháp lý và tài chính đang dần được gỡ rối. Đồng thời, lãi suất cho vay cũng giảm 2 - 3 điểm % so với mức đầu năm 2023 sẽ thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà (thế chấp) và cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp bất động sản vào năm 2024. Hơn nữa, sự ấm lên dần của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng giải quyết khó khăn về vốn cho các nhà phát triển bất động sản trong những năm tới.

Thứ tư, sự ấm lên của đầu tư tư nhân. "Tôi kỳ vọng đầu tư tư nhân sẽ phục hồi vào năm 2024 nhờ doanh nghiệp sẽ triển khai các dự án mới và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng và sự phục hồi của đơn hàng xuất khẩu. Lãi suất cho vay thấp hơn, điều kiện tài chính toàn cầu nới lỏng hơn trong nửa cuối năm 2024 và sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư tư nhân mới" - ông Hinh cho biết.

Triển vọng phục hồi của các đối tác kinh tế lớn vẫn chưa rõ ràng

Bên cạnh những động lực, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup - chỉ ra những rủi ro với nền kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn còn lớn do cả yếu tố nội tại và bên ngoài. Trong đó triển vọng hồi phục của các nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh môi trường lãi suất quốc tế ở mức cao.

Về rủi ro nội tại, thị trường bất động sản có thể "đóng băng" dài hơn dự kiến. Ông nói: "Nhận định chung của các tổ chức là thị trường bất động sản sẽ hồi phục giữa năm 2024 nhưng chưa rõ vào thời gian nào, giữa năm hay cuối năm.

Triển vọng năm 2024 vẫn chưa rõ và phụ thuộc lớn vào việc tập trung tháo gỡ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp và nợ vay bất động sản. Việc cho giãn hoãn nợ vào năm 2024 và năm 2025 sẽ "hạ cánh" ra sao. Chính khoản nợ xấu trái phiếu bất động sản tăng cao sẽ tăng rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhóm dưới có bộ đệm vốn thấp".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn