MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Động lực lớn cho thị trường mua bán, sáp nhập

Thu Giang LDO | 26/11/2022 19:48

Dù hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại nhiều quốc gia trên thế giới đang rơi vào trạng thái trầm lắng, thị trường M&A tại Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng.

Bức tranh sụt giảm chung 

Báo cáo mới nhất của Công ty phân tích dữ liệu Global Data cho biết, hoạt động M&A toàn cầu đang sụt giảm và có thể trải qua cuộc suy thoái vào năm tới. Trong bối cảnh đó, thị trường M&A của Việt Nam cũng đang rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với giai đoạn năm 2020 - 2021.

Theo dữ liệu từ công ty kiểm toán KPMG, trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A ở Việt Nam đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021, các giao dịch vẫn được dẫn dắt bởi doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,2 tỉ USD. Các ngành, lĩnh vực chính đang thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng 1,2 tỉ USD, bất động sản gần 1 tỉ USD và công nghiệp đạt 800 triệu USD.

  Ngành điện tử, chế tạo, tiêu dùng... đang thu hút đầu tư hàng tỉ USD. Ảnh: Hải Nguyễn          

KPMG nhận định, hiện các nhà đầu tư đang thận trọng hơn do những lo ngại về địa chính trị, lạm phát trên toàn cầu khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia đưa ra lưu ý, khả năng vẫn có những thương vụ M&A đã hoàn thành nhưng các bên tham gia không tiết lộ thông tin vì quy định pháp luật không bắt buộc. 

Tiềm năng từ thị trường M&A Việt Nam

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường M&A nói chung đang trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong thời gian tới. Thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn, thực hiện mua các dự án hấp dẫn với định giá tài sản hợp lý hơn.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn là "mảnh đất" ưa thích của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore với những yếu tố hấp dẫn như cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ KHĐT nhận định, Việt Nam nói chung và thị trường M&A Việt Nam nói riêng luôn được đánh giá là thị trường có tiềm năng cao. Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt lại mạnh mẽ.

Theo ông Trần Quốc Phương, việc giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng khá, vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn, an toàn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023, là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển.

Sự chững lại của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian gần đây hy vọng chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục. Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng vẫn được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để kích hoạt những cơ hội mới.         

Một số thương vụ M&A lớn tại Việt Nam trong năm 2022: CapitaLand bán tòa nhà văn phòng Capital Place tại Hà Nội với giá 523 triệu USD; EDPR mua lại cụm dự án điện mặt trời công suất 200MW của Tập đoàn Xuân Thiện với giá 284 triệu USD; Masan đầu tư 261 triệu USD vào thương hiệu đồ uống Phúc Long; Warburg Pincus đầu tư 250 triệu USD vào Novaland...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn