MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
JPMorgan là một trong những ngân hàng lớn dường như được hưởng lợi sau sự sụp đổ của SVB. Ảnh: Xinhua

Dòng tiền đang chảy về đâu?

Quý An (Dịch TH) LDO | 20/03/2023 10:30

Sự sụp đổ của SVB đã khiến dòng tiền ồ ạt chảy về các ngân hàng lớn. Mặt khác, giá vàng cũng lên cao do tâm lý nhà đầu tư.

Tác động của vụ việc Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tiếp tục là tâm điểm của giới ngân hàng khi thị trường chứng khoán thế giới giảm. Các ngân hàng Mỹ mất hơn 100 tỉ USD, trong khi các ngân hàng Châu Âu mất thêm khoảng 50 tỉ USD. Sự sụp đổ gần đây của Credit Suisse như đổ thêm dầu vào lửa, giáng mạnh vào tâm lý nhà đầu tư vốn đã mong manh.

Dòng tiền về đâu

Câu chuyện của SVB đã phơi bày những hạn chế trong chiến dịch chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (FED) và các ngân hàng trung ương khác khi muốn chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ. Mặt khác, SVB làm nhiều chuyên gia nhớ lại giai đoạn 2008-2015, sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, Bear Stearns và đặc biệt Washington Mutual (WaMu), hơn 500 ngân hàng có bảo hiểm từ liên bang đã phá sản. WaMu sau đó đã được bán cho JPMorgan Chase với giá 1,9 tỉ USD.

Kỳ thực, sau khi SVB phá sản, trong khi đa phần cổ phiếu của các ngân hàng đều giảm điểm thảm hại, thì một số ngân hàng lớn nhất Phố Wall như JPMorgan, Wells Fargo và Citigroup… đã tăng cao. Lượng tiền gửi vào Wells Fargo, Citigroup và Bank of America tăng đáng kể sau vụ SVB do các ngân hàng nhỏ đã bị rút tiền ồ ạt.

Citigroup đã đẩy nhanh mở các tài khoản cho vay bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và quản lý tài sản để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng. Bank of America cũng tận hưởng dòng tiền mới khi có thêm hơn 15 tỉ USD tiền gửi. JPMorgan đang nỗ lực tạo điều kiện sớm nhất để các khách hàng là doanh nghiệp mới có thể tiếp cận các khoản tiền.

Việc chuyển sang các ngân hàng lớn hơn sau sự sụp đổ của SVB và Signature Bank có thể là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang cảm thấy các ngân hàng lớn với lượng tiền gửi dồi dào là những lựa chọn an toàn so với các ngân hàng nhỏ hơn; thêm vào đó là niềm tin qua vụ sụp đổ tài chính năm 2008 rằng: Nếu một ngân hàng lớn sụp đổ, chính phủ có thể sẽ cứu trợ ngân hàng đó để ngăn chặn thiệt hại lan rộng cho nền kinh tế.

Không chỉ các ngân hàng lớn, theo phân tích của Ihor Dusaniwsky - Trưởng bộ phận phân tích dự báo của S3 Partners, việc SVB đóng cửa cũng đã mang lại khoản lời khổng lồ cho các nhà giao dịch bán khống. Theo dữ liệu của S3, trong tháng 3, tổng lợi nhuận theo giá trị thị trường trong việc bán khống ngân hàng khu vực đạt khoảng 3,5 tỉ USD tính đến đầu tuần qua.

Cũng trong tuần qua, lo lắng về triển vọng của những ngân hàng nhỏ đã có dấu hiệu được giải quyết phần nào. Cổ phiếu của First Republic, Western Alliance và PacWest Bancorp đang phục hồi sau những khoản lỗ lớn được ghi nhận trong phiên giao dịch trước đó.

Vàng, bạc đang trở thành nơi ẩn trú 

Tâm lý lo ngại cuộc suy thoái sau vụ SVB đã khiến kim loại quý như vàng và bạc đều tăng giá. Giới đầu tư hi vọng FED sẽ hãm phanh chính sách tiền tệ. Mặt khác, đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc kéo dài đà giảm bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát tình trạng hỗn loạn.

Bart Melek, chuyên gia tại TD Securities, cho biết: “Vàng đang nổi lên như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp và đồng USD đang giảm giá”.

Các thương nhân không còn kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, thậm chí một số người còn kỳ vọng FED không tăng lãi suất, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn do không có lãi cố định.

Chuyên viên Alexander Zumpfe - Tập đoàn kim loại quý Heraeus cho biết: “Tương lai của giá vàng phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp của FED có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng dẫn đến sự đảo ngược liên tục trong chính sách của FED, nhu cầu về vàng sẽ tăng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn