MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc dừng thu phí các dự án BOT do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận CII trong năm tài chính 2021. Ảnh: Gia Miêu

Dòng tiền kinh doanh âm, CII tăng vay để trả nợ

Gia Miêu LDO | 19/09/2021 16:47

Trong mấy năm gần đây, hoạt động kinh doanh chính của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM không tạo ra nhiều dòng tiền, thậm chí thâm hụt, khiến công ty phải liên tục huy động dòng tiền tài chính.

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) thông tin về việc vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỉ đồng. Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định và không quá 10,5%/năm. Cụ thể, số tiền thu về CII dự kiến chi 265 tỉ đồng để thanh toán gốc vay tại VPBank; 235 tỉ đồng sẽ đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận và dự án Xa lộ Hà Nội. Hiện Công ty đang triển khai các thủ tục để xin ý kiến chấp thuận kế hoạch phát hành với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. 

Trong thời gian 4 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh chính của CII không tạo ra nhiều dòng tiền, thậm chí thâm hụt, khiến Công ty phải huy động dòng tiền tài chính  trong đó phần lớn là phát hành trái phiếu. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, Ban lãnh đạo CII chia sẻ, trong năm nay, Công ty dự kiến huy động 1.600 tỉ đồng trái phiếu kèm chứng quyền để huy động vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Khu dân cư Sơn Tịnh… Ngoài ra, doanh nghiệp đang làm việc với các tổ chức tài chính lớn trong nước để nghiên cứu phát triển sản phẩm đầu tư tài chính trên nền tảng công nghệ tài chính (FinTech), mục tiêu thực hiện các gói trái phiếu lên đến 20.000 tỉ đồng dựa trên nguồn trả nợ là dòng doanh thu từ các dự án BOT hiện hữu đã đi vào vận hành thu phí. Trước đó, năm 2020, sau khi pháp luật siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, CII đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ cổ đông hiện hữu.

Năm 2021, CII lên kế hoạch doanh thu 6.700 tỉ đồng, lãi ròng 615 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Theo Báo cáo tài chính mới nhất, kết thúc nửa đầu năm, Công ty thu về doanh thu tăng mạnh hơn 2.000 tỉ đồng, song lợi nhuận ròng lại giảm mạnh xuống còn 17 tỉ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm với con số hơn 800 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính cũng âm với hơn 1.390 tỉ đồng, doanh nghiệp cũng thực hiện huy động dòng tiền vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Chính vì dòng tiền âm nên trong 6 tháng đầu năm, Công ty tiếp tục tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh âm. Cụ thể, tính đến hết giai đoạn 6 tháng đầu năm, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CII tăng thêm hơn 922 tỉ đồng so với đầu năm và đạt con số tổng nợ lên đến hơn 17.500 tỉ đồng và chiếm 57,8% tổng tài sản. Đáng chú ý, doanh nghiệp đang chịu áp lực thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng 1 năm là 874,6 tỉ đồng, lịch thanh toán các khoản trái phiếu thường là 1.111 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ sở hữu tiền và đầu tư tài chính 1.050 tỉ đồng, ngoài ra còn chịu áp lực thanh toán lãi vay với tổng nợ vay lên tới hơn 17.500 tỉ đồng.

Theo giải trình của CII, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp, và CII không ngoại lệ. Hiện tại, đối với hoạt động thu phí giao thông, CII đã thực hiện dừng thu phí theo đúng yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc dừng thu phí tuy không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn nhưng ảnh hưởng trực tiếp theo chiều hướng giảm đến doanh thu và lợi nhuận CII trong năm tài chính 2021. Đối với kinh doanh bất động sản, việc giãn cách và dừng thi công các công trình xây dựng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hoàn thiện pháp lý và tiến độ thi công. Do vậy, việc hạch toán doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch trong năm 2021 gần như bắt buộc phải chuyển sang năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn