MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông lớn trong lĩnh vực bất động sản liên tục đối mặt với vấn đề dòng tiền kinh doanh âm qua nhiều năm. Ảnh: K.D

Dòng tiền kinh doanh của Nhà Khang Điền âm “khủng” hơn 2.000 tỉ đồng

Gia Miêu LDO | 31/07/2022 14:00

TPHCM - Mặc dù báo cáo tài chính ghi nhận lợi nhuận tăng trong quý 2 nhưng một điều đáng lo ngại mà Công ty Nhà Khang Điền đang đối mặt khi dòng tiền kinh doanh liên tục âm với con số không nhỏ.

Báo cáo tài chính quý II/2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu đạt hơn 732 tỉ đồng giảm 34,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 325,58 tỉ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ.  

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu đạt hơn 875 tỉ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 625 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ. Trong năm 2022, Nhà Khang Điền dự kiến doanh thu 4.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỉ đồng, lần lượt tăng 7% và 16% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 44,7% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong kỳ, tồn kho tăng 56,6% so với đầu năm lên mức hơn 12,1 nghìn tỉ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng lên mức gần 4.800 tỉ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, Nhà Khang Điền ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 2.000 tỉ đồng, tặng mạnh hơn so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm hơn 22 tỉ đồng và dòng tiền tài chính dương hơn 1.991 tỉ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Con số này cho thấy trong 6 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính.

Được biết, từ năm 2018 tới nay, Nhà Khang Điền cũng thường xuyên duy trì dòng tiền kinh doanh thâm hụt và phải huy động dòng vốn bên ngoài để tài trợ. Trong đó, dòng tiền kinh doanh năm 2018 ghi nhận âm hơn 718 tỉ đồng, năm 2019 ghi nhận âm 163,53 tỉ đồng, và năm 2021, Công ty tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, xét về nợ vay, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 125,8% so với đầu năm lên hơn 5.760 tỉ đồng. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Công ty tăng sử dụng nợ vay, điều này trùng với giai đoạn dòng tiền kinh doanh chính thâm hụt nhiều năm trở lại đây. 

Theo nhận xét của các chuyên gia tài chính thì không phải mọi trường hợp dòng tiền kinh doanh âm đều đáng lo ngại. Trong trường hợp doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất kinh doanh, phải nhập thêm hàng hóa, tăng các khoản phải thu, phải trả… sẽ dẫn tới tình trạng dòng tiền kinh doanh âm.

Song, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ là điều báo động, việc vay vốn để bù đắp cho dòng tiền thiếu hụt còn làm gia tăng gánh nặng lãi vay cũng như rủi ro về tài chính nếu doanh nghiệp không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nếu kéo dài, doanh nghiệp có thể sẽ mất khả năng thanh toán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn