MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia cho rằng đây là cơ hội lớn để tích lũy các cổ phiếu tốt trong dài hạn. Ảnh: Đức Mạnh

Dòng tiền thông minh sẽ chảy vào cổ phiếu nào trong năm 2023?

Đức Mạnh LDO | 11/02/2023 08:48

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán trong năm 2023. Giai đoạn thị trường hồi phục trong quý IV/2022 đã cho thấy hiệu suất nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn duy trì mức tốt hơn đáng kể so với 2 nhóm còn lại.

Cổ phiếu vốn hoá lớn sẽ là tâm điểm

Tính đến ngày 20.1.2023, chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12,0 lần, tiệm cận mức độ lệch chuẩn -2 lần, tương đương gần bằng mức định giá thấp nhất năm 2020 do dịch COVID-19 ảnh hưởng.

Mặc dù việc tăng trưởng lợi nhuận thấp trong năm 2023 sẽ hạn chế phần nào khả năng định giá ở mức cao hơn của VN-Index, tuy nhiên xét trên góc nhìn dài hạn, Chứng khoán BSC cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt trong dài hạn. GDP năm 2023 dự phóng ước tính tăng 6,2 - 6,7%

"Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ dần phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng tốt. Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm vàng mở ra các cơ hội lớn để tích lũy các cổ phiếu tốt trong dài hạn", chuyên gia đánh giá.

So sánh với khu vực, định giá thị trường Việt Nam hiện tại vẫn đang thấp hơn mức dự phóng trung bình khu vực năm 2023 là 12,4 lần. Ảnh: BSC 

Theo BSC, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán trong năm 2023. Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ duy trì hiệu suất tương đối tích cực trong năm 2020 - 2021, đặc biệt trong quý I/2022. Tuy nhiên khoảng cách chênh lệch định giá giữa nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại thu hẹp đáng kể trong nửa cuối năm 2022.

Thêm vào đó, trong giai đoạn thị trường hồi phục trong quý IV/2022, hiệu suất nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn duy trì mức tốt hơn đáng kể so với 2 nhóm còn lại.

Định giá PE theo nhóm vốn hóa. Ảnh: BSC

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dự kiến tiếp tục có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2023 như ngân hàng, công nghệ thông tin, thép, dầu khí (trừ BSR và GAS), bán lẻ - F&B sẽ có hiệu suất tốt hơn. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dự kiến ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm như thủy sản, dệt may và hóa chất.

Lũy kế tới 20.1.2022, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang được giao dịch ở mức PE 11 lần.

Dòng tiền sẽ chảy vào ngành nào?

Dựa trên đánh giá của mình, nhóm chuyên gia từ Chứng khoán BSC đánh giá khả quan với các nhóm ngành ngân hàng, tiêu dùng - bán lẻ, dịch vụ hàng không, vận tải dầu, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin và cảng biển.

Ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô đến các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán. Ảnh: BSC 

Các yếu tố hỗ trợ tích cực bao gồm: Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách tài khóa; Sửa đổi Nghị định 65 liên quan đến quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường bất động sản; Trung Quốc mở cửa; Xu hướng lãi suất hạ nhiệt từ năm 2024.

Ngược lại, nhà đầu tư cần theo sát những rủi ro khó khăn tiềm ẩn gồm: Suy thoái ở Mỹ và EU; Nền kết quả kinh doanh cao của nhóm cổ phiếu chu kỳ đi kèm giá hàng hóa giảm mạnh; Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn