MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng yen giảm mạnh khiến thu nhập lao động Việt Nam tại Nhật Bản giảm sâu. Ảnh: NVCC

Đồng Yen mất giá, lao động Việt Nam tại Nhật chật vật mưu sinh

TUYẾT LAN LDO | 19/06/2023 11:11

Kể từ đầu tháng 5.2020 đến nay, đồng yen của Nhật Bản liên tục giảm. Chuyên gia cho rằng, khi chênh lệch lãi suất còn tiếp tục gia tăng thì đồng yen còn tiếp tục giảm giá. Lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang chật vật xoay sở để đảm bảo sinh hoạt và gửi tiền về cho gia đình.

Thắt chặt chi tiêu trước đà mất giá của đồng yen

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 16.6 giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và trần lợi suất trái phiếu kì hạn 10 năm ở mức 0%. Việc BOJ giữ nguyên lãi suất âm và dự báo lạm phát chậm lại khiến đồng yen kéo dài đà mất giá.

Tính đến ngày 18.6.2023, tỉ giá mua - bán đồng yen tiếp tục giảm mạnh xuống mức 165,4 - 172,16 VND/yen. Đồng yen mất giá đã khiến người lao động Việt Nam tại Nhật Bản mất cả trăm triệu đồng thu nhập một năm.

Ngô Gia Bảo - thực tập sinh ngành thực phẩm làm việc tại tỉnh Gunma (Nhật Bản) - cho biết, khi anh mới sang Nhật, đồng yen chưa giảm giá: "Năm 2020 mức lương của tôi là 180.000 yen quy đổi ra tiền Việt được khoảng 35 triệu đồng. Hiện tại mức lương của tôi vẫn giữ nguyên nhưng quy đổi ra tiền Việt chỉ được khoảng 28-30 triệu đồng. Nếu so sánh tỉ giá đồng yen thời điểm hiện tại với năm 2020, tôi sẽ bị thâm hụt khoảng gần 100 triệu đồng mỗi năm nếu đổi sang tiền Việt gửi về cho gia đình.

Trước đây, cứ mỗi tuần tôi lại tự thưởng cho mình một món đồ mới. Nhưng hiện tại một tháng tôi mới mua món đồ mới, thậm chí là không mua nếu đồ cũ chưa hỏng. Tổng thu nhập quán ăn đồ Việt giảm khoảng 40% khi tỉ giá đồng yen mãi “giằng co” ở mức thấp trong vòng 2 năm qua. Lượng khách của quán ăn giảm do du học sinh tự nấu ăn để tiết kiệm” - Gia Bảo nói.

Găm tiền chờ đợi "thời cơ" đổi tiền gửi về cho gia đình

Đồng yen giảm giá là một thách thức lớn đối với lao động Việt tại Nhật Bản. Hiện nay họ vừa phải gồng gánh tiền chi tiêu cá nhân tại Nhật, vừa phải đảm bảo đủ tiền gửi về cho gia đình. Việc gửi tiền định kì về cho gia đình lúc này hay tiết kiệm chờ ngày đồng yen tăng giá cũng là niềm trăn trở lớn của nhiều người.

Chị Đỗ Thị Kim Ngân thực tập sinh ngành đóng gói tại tỉnh Nagoya - cho biết, sang Nhật Bản vào thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng. Khi đó tuy bị giảm giờ làm nhưng bù lại tỉ giá đồng yen giữ vững ở mức cao. Tuy nhiên khi dịch bệnh qua đi, giờ làm và tiền lương của chị Ngân đã tăng nhưng tỉ giá đồng yen lại giảm sâu trầm trọng.

"Trước đây, định kì hàng tháng tôi sẽ gửi tiền về Việt Nam để trả nợ và lo cho hai em ăn học. Nhưng kể từ khi đồng yen giảm, tôi luôn trăn trở và e ngại khi đổi tiền để gửi về cho gia đình. Từ khi đồng yen giảm, tôi chỉ gửi tiền về khi gia đình có việc quan trọng. Nếu công việc gia đình không quá cần thiết tôi sẽ gom tiền lương chờ đợi “thời cơ” khi tỉ giá đồng yen tăng sẽ gửi về sau. Ngày trước, 10.000 yen đã đổi được 2,1-2,2 triệu đồng, nhưng hiện tại chỉ được 1,6-1,7 triệu đồng. Công lao động và mức lương vẫn vậy nhưng tiền đổi ra lại giảm nên tôi rất tiếc công sức của mình”.

Theo chị Ngân, một số người lựa chọn cách gửi tiền qua "chợ đen" được giá cao nhưng điều này là phạm pháp, sẽ gặp nhiều rủi ro về lừa đảo nên chị lựa chọn găm tiền chờ đồng yen tăng giá sẽ đổi sang tiền Việt.

Đồng yen mất giá khiến người lao động không còn quá mặn mà với thị trường Nhật Bản. Anh Trịnh Quang Thiệu - Giám đốc tuyển dụng Công ty Cổ phần Thương mại và hợp tác Nhân lực TQC Quốc tế - cho rằng, thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản đã mất vị thế tại Việt Nam. Đồng thời, các đơn hàng nhận lao động ở Nhật Bản cũng giảm khoảng 60% do lạm phát và sự suy thoái của nền kinh tế.

“Những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động Nhật Bản rất quan tâm đến tỉ giá đồng yen vì điều đó ảnh hưởng sát sườn đến thu nhập của họ. Người lao động không còn mặn mà với Nhật Bản và sẽ đặt lên bàn cân so sánh với thị trường xuất khẩu lao động của các nước khác. Người Việt đang có xu hướng lựa chọn Hàn Quốc hoặc các nước như Hungary, Đức… để xuất khẩu lao động” - anh Trịnh Quang Thiệu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn