MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỷ giá đồng Yên so với đồng USD đã lên cao kỷ lục. Ảnh minh họa: Xinhua

Đồng Yên sẽ yếu đi hay phục hồi?

Quý An (theo Bloomberg) LDO | 30/03/2024 06:00

Đồng Yên tiếp tục suy yếu gần mức thấp lịch sử, chủ yếu là do lãi suất ở Nhật Bản vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất ở Mỹ và các nơi khác. Đó là yếu tố làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền Nhật Bản.

Áp lực giảm giá vẫn tồn tại ngay cả sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất vào ngày 19.3 lần đầu tiên sau 17 năm. Sự sụt giảm của đồng Yên vừa có lợi vừa có hại cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách xứ sở mặt trời mọc vẫn đề phòng khả năng có thể phải can thiệp như năm 2022.

Tỷ giá đồng Yên so với đồng USD đã tăng lên 6%. Nguyên nhân chủ yếu do chênh lệch lãi suất quá lớn giữa Nhật Bản và Mỹ. Ngay cả sau đợt tăng lãi suất lịch sử gần đây, lãi suất chính sách mới của Nhật Bản vẫn ở mức thấp nhất trong các nền kinh tế phát triển - ở mức từ 0% đến 0,1%. Vài ngày sau, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang chuẩn ở mức từ 5,25% đến 5,5%. Đó là khoảng cách lớn có lợi cho đầu tư vào Mỹ. Theo đó, đồng USD được hưởng lợi.

Tương lai tăng hay giảm của đồng Yên phần lớn sẽ phụ thuộc vào quỹ đạo chênh lệch lãi suất. Thống đốc BOJ Kazuo Ueda từng nêu rõ, các thiết lập chính sách tổng thể của Nhật Bản sẽ vẫn mang tính hỗ trợ, nghĩa là BOJ khó có thể tăng lãi suất chóng vánh. Với việc thị trường dự đoán chênh lệch tỷ giá sẽ còn nới rộng, tỷ giá đồng Yên đã lên cao nhất trong lịch sử.

Đồng Yên phục hồi phần nào sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell ra tín hiệu FED sẽ bám sát kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2024 bất chấp lạm phát khó khăn. Điều đó cho thấy chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp vào cuối năm nay, một diễn biến có lợi cho đồng tiền Nhật Bản.

Đồng Yên tiếp tục suy yếu sau đợt tăng lãi suất của BOJ và chạm mức thấp mới trong 34 năm vào ngày 27.3. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản đã đưa ra những cảnh báo bằng lời nói ngày càng mạnh mẽ hơn, song vẫn chưa có động thái trực tiếp trên thị trường. Người đồng cấp bên kia Đại Tây Dương - Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen - cho biết hồi 2023, bất kỳ sự can thiệp nào của Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng Yên sẽ "có thể hiểu được nếu nó nhằm mục đích xoa dịu sự biến động - chứ không phải ảnh hưởng đến mức tuyệt đối của tỷ giá hối đoái".

Nhìn chung, đồng Yên yếu hơn sẽ giúp các công ty lớn của Nhật Bản có lợi vì điều này làm tăng giá trị lợi nhuận chuyển cho quốc gia châu Á. Đồng Yên yếu đi cũng có thể hỗ trợ ngành du lịch bằng cách thúc đẩy sức mua của khách du lịch. Số lượng du khách và chi tiêu từ lượng khách du lịch đã phục hồi mạnh mẽ, vượt mức trước đại dịch. Mặt khác, đồng Yên yếu khiến việc nhập khẩu năng lượng và thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đầu tháng 3, nhóm công đoàn lớn nhất nước Nhật cho biết đã đảm bảo mức tăng lương mới nhất trong nhiều thập kỷ cho năm tài chính sắp tới. Mức lương tăng vượt lạm phát có thể giúp người tiêu dùng tự tin hơn về chi tiêu. Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng, việc cắt giảm thuế một lần bắt đầu từ tháng 6 cũng sẽ hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng.

Về phần BOJ, giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế đang bị chia rẽ về nhận định bước đi tiếp theo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Thống đốc Ueda tuyên bố, nếu lạm phát tăng cao hơn dự kiến, BOJ có thể tiếp tục tăng lãi suất. Điểm mấu chốt xoay quanh câu hỏi: Liệu tiêu dùng có phục hồi hay không.

BOJ có thể tuyên bố nhu cầu nội địa mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi việc tăng lương, đang khiến lạm phát do nhu cầu trở nên bền vững. Nếu tiêu dùng không tăng bất chấp lương tăng, nền kinh tế Nhật Bản sẽ mất đà, khiến BOJ rơi vào cảnh "khó xử".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn