MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều sáng kiến thu ngân sách, tăng thu ở khoản lâu nay chưa thu được. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Đột phá nguồn thu, tạo động lực thực hiện chính sách hỗ trợ

Minh Ánh LDO | 22/08/2024 14:00

Nhìn lại chặng đường kể từ năm 2021 tới nay, dù nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn nhưng số thu ngân sách nhà nước vẫn tăng trưởng tốt qua các năm.

Số thu ngân sách nhà nước tăng trưởng tốt

Thời gian qua, chính sách tài khóa đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế phục hồi, tăng trưởng GDP luôn giữ ở mức dương, lạm phát được giữ vững, bảo đảm kinh tế vĩ mô.

Không chỉ thực hiện tốt các chính sách miễn giảm thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã tăng cường triển khai tốt, sáng tạo các giải pháp thu ngân sách, đặc biệt tăng thu ngân sách ở những lĩnh vực trước nay chưa thu được.

Từ năm 2021, tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm đạt hơn 1.563 nghìn tỉ đồng, vượt 219,9 nghìn tỉ đồng so dự toán.

Năm 2022, lũy kế tổng thu NSNN đạt gần 1.785 nghìn tỉ đồng, bằng 126,4% dự toán và tăng 13,8% so với năm trước.

Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế chậm lại so với năm 2022, để đồng hành với doanh nghiệp, người dân, hàng loạt chính sách giảm thuế, phí đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả. Kết quả, số thu NSNN năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022, nhưng vẫn vượt khoảng 8,12% dự toán. Tính đến hết ngày 31.12.2023 ước đạt hơn 1.752 nghìn tỉ đồng.

6 tháng đầu năm 2024, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế vẫn tiếp tục được duy trì. Số thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 1.038 nghìn tỉ đồng, bằng 61% dự toán.

Tăng thu ngân sách từ các khoản thu lâu nay chưa thu được

Để hài hòa mọi yếu tố, tăng thu ngân sách nhưng không ảnh hưởng đến sức khoẻ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, sáng tạo ở chỗ tìm cách thu những khoản thu tiềm năng, quản lý thu hiện đại, nhất là thu ở những khoản trước đây chưa thu được như từ sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh thương mại điện tử.

Sự phát triển bùng nổ của kinh tế số với các dịch vụ xuyên biên giới đã và đang đặt ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý thuế khi mà việc kiểm soát giao dịch kinh doanh trong thời đại công nghệ 4.0, cũng như xác định căn cứ tính thuế không còn dễ dàng như các giao dịch kinh doanh truyền thống.

Từ tháng 3.2022, Bộ Tài chính đã chính thức đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo xu hướng quản lý thuế quốc tế.

Cổng thông tin điện tử là địa chỉ để NCCNN thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế cũng như có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế Việt Nam. Với phương thức thu thuế mới này, Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 quốc gia đầu tiên ở Khu vực ASEAN khẳng định chủ quyền đánh thuế của Quốc gia đối với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới ở nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có thêm 26 NCCNN mới đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam qua Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNN.

Lũy kế đến nay đã có 101 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia như Mỹ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong (Trung Quốc); Ireland; Thụy Sĩ, Úc; Anh; Thụy Sĩ...

Đặc biệt, mục tiêu tăng thu thuế đối với kinh doanh mua bán online là mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc rất coi trọng.

Theo đó, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát các khoản thanh toán trên sàn thương mại điện tử; đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Các giải pháp này kỳ vọng sẽ giúp tăng thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh mua bán online, bởi chỉ trong gần 2 quý vừa qua đã thu được gần 50.000 tỉ đồng từ lĩnh vực này.

Ngoài ra, với kết quả triển khai nhanh chóng việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với 100% cửa hàng xăng dầu trong toàn quốc, các chuyên gia tin rằng thu ngân sách năm nay sẽ có kết quả tốt. Các dữ liệu sẽ được kết nối trực tiếp với dữ liệu của cơ quan thuế.

Được biết, Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm để kiểm soát hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử qua mạng để chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Đáng chú ý có giải pháp quay số hóa đơn theo mã số hóa đơn may mắn để khuyến khích người dân lấy hóa đơn, nếu trúng mã sẽ được thưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn